3 kỹ năng quan trọng để phát triển nghề tại ngân hàng nước ngoài

Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày thi tuyển vào làm việc cho ngân hàng Chohung Vina (nay là Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam) vào năm 2001 – lúc đó là một trong những ngân hàng liên doanh với nước ngoài có điều kiện làm việc tốt nhất tại Tp HCM. Vậy là đã hơn 16 năm…

Là người làm việc tương đối lâu cho một ngân hàng lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân về việc phát triển nghề tại một ngân hàng nước ngoài…

Thứ nhất về ngoại ngữ. Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế K19 hệ chính qui niên khóa 1993 – 1997, chuyên ngành Tài chính – Tín dụng và chưa từng học ở nước ngoài. Trước đó, ở bậc phổ thông lại học tiếng Nga. Vì vậy vào những ngày đầu khi làm việc tại đây tôi khá lúng túng do vốn tiếng Anh hạn chế. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn tôi đã khắc phục được tình trạng này do chăm chỉ trau dồi và rèn luyện. Với những người đang đi làm, theo tôi con đường duy nhất để học thêm một ngoại ngữ là phải thường xuyên tranh thủ nghe, đọc, viết khi rảnh, phải lên lịch trình chi tiết và có kỷ luật khi thực hiện.

null

Năm 2005, tôi được thăng cấp và phân công đến công tác tại một chi nhánh mới ở tỉnh Bình Dương. Phải đi xa hơn, cực hơn mỗi ngày nhưng tôi vẫn thấy hào hứng và vui vẻ tiếp nhận vì nhận ra đây là cơ hội tốt để khẳng định năng lực và thăng tiến (chi nhánh mới cách xa khoảng 20km). Mỗi ngày đi về khoảng 2 tiếng chạy xe, tôi tranh thủ nghe đủ loại sách nói (audio books), từ ngoại ngữ đến tiểu thuyết, sách rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ... Gần 9 năm làm việc tại Bình Dương thì có từng ấy năm tôi nghe, tự học và mở rộng được nhiều kiến thức qua việc nghe sách nói khi rong ruổi trên những quãng đường dài…

Thứ hai, kỹ năng bán hàng và các kỹ năng khác liên quan như: giao tiếp, quản lý các mối quan hệ (networking)… là những “hành trang” vô cùng cần thiết và là những lợi thế lớn cho những bạn làm nghề biết sớm đầu tư cho lĩnh vực này, đặc biệt khi chưa đạt được vị trí hoặc công việc như mong muốn.

Theo tôi, ngày nay các nhà tuyển dụng ngành ngân hàng, dù đang phỏng vấn ứng viên cho vị trí nào, nếu cảm nhận ứng viên có những kỹ năng và tiềm năng bán hàng tốt… sẽ rất ấn tượng và cảm tình. Họ sẽ ưa thích hơn nếu bạn đưa ra những con số cụ thể về khả năng bán hàng của bản thân như có bao nhiêu các mối quan hệ, đã từng bán được bao nhiêu thẻ, đã thành công và có những kinh nghiệm gì trong việc bán loại sản phẩm cụ thể gì tại phân khúc thị trường nào… Vì vậy, nếu bạn chưa từng học hay đọc qua về nghề bán hàng, hãy ngay lập tức đầu tư cho lĩnh vực này.

 

Thứ ba, kỷ luật tự giác. Kỷ luật và kế hoạch làm việc chặt chẽ sẽ giúp mỗi chúng ta luôn đi tới và đạt được các mục tiêu xác định. Các mục tiêu sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có các kế hoạch và chương trình hành động đi kèm. Các kế hoạch hành động cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có ý thức kỷ luật và sự tự giác, tự nghiêm khắc với bản thân. Thế giới ngày nay có quá nhiều các tiện ích và cám dỗ, dễ gây xao lãng… nên vấn đề kỷ luật tự giác càng trở nên là vấn đề khó khăn và thách thức. Ví dụ thay vì lướt facebook hay chơi games thì bạn hãy đọc sách. Việc học và đọc sách cần luôn được duy trì, như là nhu cầu ăn ngủ mỗi ngày, phải thực hiện đều đặn. Thay vì ngồi quán cà phê, đi nhậu thì hãy chơi một môn thể thao, tập gym để khỏe mạnh và duy trì vóc dáng đẹp.

Khó khăn, trở ngại, thử thách… là những viên gạch xây dựng nên thành công. Không có thành công nhanh chóng khi chưa bỏ ra đủ thời gian và công sức. Hãy thử và trải nghiệm, hãy suy tính kỹ để tìm ra phương pháp đúng, bạn có thể sai lầm nhưng hãy nghiêm khắc với bản thân khi nhìn nhận thất bại, hãy đúc rút kinh nghiệm và kiên cường tiếp tục.

Trịnh Bằng Vũ

Theo Trí thức trẻ

0