Chuyên viên tư vấn - nghề làm dâu trăm họ

Từ khi còn ngồi ghế giảng đường đại học, ngân hàng là ngành “hot” đối với bọn sinh viên như tôi, ao ước được một lần khoác lên mình màu áo đồng phục chỉn chu hào nhoáng mà người đời đánh giá cao và trân trọng. Tốt nghiệp ra trường với một lượng lớn kiến thức toàn lý thuyết, cô gái đôi mươi như tôi hoàn toàn tin hết vào xã hội đồn đại vào ngân hàng là “con ông cháu cha”, lương thưởng ngân hàng là “khủng”, tôi thử sức mình ứng tuyển ngay vào ngân hàng đánh cược bằng chính sự nỗ lực của mình không ai gửi gấm, không quen biết, tin một lần vào chính sự lựa chọn của bản thân.

Cuối cùng thì bao cố gắng của tôi cũng được đền đáp, nhận được cuộc điện thoại từ Phòng nhân sự tôi bật khóc như một đứa trẻ, cảm xúc vỡ òa khi được bước chân vào Bankbiz hào quang, sang chảnh – Tôi là nhân viên ngân hàng. Ngày 29/06/2015 tôi hào hứng bước chân vào ngân hàng với sự vui mừng khôn tả, ở vị trí chuyên viên tư vấn tôi ngỡ mình chỉ đơn thuần là tiếp nhận nhu cầu khách hàng và huy động, ấy vậy mà khi tham gia các buổi hỏi ý đầu ngày đầu tiên được giao chỉ tiêu tôi run đến xanh mặt, nào là ngân hàng điện tử, nào là khách hàng cá nhân, nào là thẻ thanh toán, nào là thẻ tín dụng, nào là ủy thác thanh toán, nào là nợ quá hạn, nào là doanh nghiệp rồi đến mấy chục tỷ huy động,…

null

Chưa định hình được sẽ bắt đầu từ đâu, tôi loay hoay, ám ảnh với những câu hỏi “làm sao đạt KPI”, “ làm sao đạt 100% kế hoạch”, tôi ôm nó luôn vào chính giấc ngủ của mình, giật mình khi thấy mình không đạt, giật mình khi nằm mơ thấy KPI đạt loại trung bình. Tôi tự nhủ mình phải không ngừng cố gắng, chỉ có bản thân tôi mới cứu vãng được chính mình, chỉ luôn trong thế chủ động mới hoàn tất được KPI.

Ngồi ở vị trí tư vấn, tôi thường xuyên giao dịch với khách hàng, ông bà ta thường nói “9 người 10 ý”, quả thật không sai. Vẫn những câu nói đó, những sản phẩm đó, nhưng có những khách hàng hăng say lắng nghe tôi tư vấn, nhưng cũng có những khách hàng quát mắng la tháo, thậm chí có người còn hỏi tôi: “khi tham gia sản phẩm này tôi được gì, em được gì”.

Tim tôi như thắt lại, không phải đau vì ngôn từ người khác mà đau cho chính cái “nghiệp ngân hàng”, tôi bán hàng cũng vì cơm, áo, gạo, tiền, theo đuồi nghề, vì sự đam mê chứ không phải lúc nào cũng nhận và cũng mất. Khách hàng văn minh thì động viên an ủi, thậm chí có người kết bạn Zalo, Facebook với những câu chào dí dỏm “Chào em cô gái Sacombank” hay bâng quơ trên Messeger “Bé ơi, biết anh là ai không? Người mà ngồi cả buổi chiều em bắt ký tên nhưng không đúng chữ ký mẫu”, có những ngày đi công tác ở ngoài, khách hàng gọi điện thoại nhắn tin “Tư vấn ơi, em nghỉ việc hay chuyển công tác”. Có căng thẳng đến mấy tôi cũng phải phì cười. Cảm ơn khách hàng đã tiếp thêm cho tôi động lực!!!

Rồi có những ngày “tai họa”, khách hàng đông ngồi ghế chờ, khách hàng to tiếng - khó chịu, thậm chí chưa hiểu rõ đầu đuôi đã chửi mắng thì chúng tôi - những cô nàng tư vấn phải gồng mình chịu đựng, im lặng để kiềm chế cảm xúc, giữ thái độ điềm tĩnh để giải quyết những khúc mắc của khách hàng, để từ đó khách khàng có thể hiểu vấn đề và vẫn giao dịch với chúng tôi. Đâu ai biết rằng, sau những giây phút như vậy, tôi vừa buồn vừa tủi, rồi khóc thật nhiều vì stress nặng, khách hàng, chỉ tiêu quá nhiều áp lực - nhiều lúc tôi muốn đầu hàng “tôi đang làm dâu trăm họ”. Nhưng rồi guồng quay công việc cứ tiếp nối, chẳng có giây phút nào để nghĩ về những khó khăn, văn bản mới, sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới, ứng dụng mới, báo cáo mới,... ngồi hàng giờ trên desktop nghiên cứu, nhìn tới nhìn lui cũng gần 20 giờ, những giây phút như vậy mới thấy “ngân hàng sang chảnh như thế nào”.

 

Chính những chông gai thách thức ấy, những bạn trẻ như tôi đòi hỏi học tập trau dồi không ngừng, có những buổi đào tạo riêng của bộ phận tư vấn gặp nhau luyên thuyên kể về khó khăn, thử thách công việc, có người rưng rưng nước mắt, có người nghị lực mỉm cười, có người lặng im không nói,… sau những cuộc nói chuyện không đầu không đuôi ấy là cái nắm tay tình cảm mà chị em tư vấn chúng tôi dành cho nhau, ấm áp lắm, ngọt ngào lắm, hơn lúc nào hết tôi trân trọng tình đồng nghiệp- tình người này, là ngọn lửa tiếp theo sức mạnh cho tôi bước tiếp đoạn đường phía trước.

Hơn 2 năm công tác vị trí Chuyên viên tư vấn, những bước khởi tạo đầu tiên của cả chặng được dài, tôi thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ trong hành động, biết thêm nhiều kỹ năng tích góp cho một hành trình dài phía trước, đặc biệt đã làm cho tôi thêm nghị lực để vững bước thành công. Cảm ơn Sacombank đã chấp cánh tương lai tôi, giúp tôi phát huy hết tối đa năng lực của mình, cho tôi cơ hội được đồng hành trong suốt thời gian qua.

Phạm Dương Thúy Vy (chuyên viên tư vấn Sacombank Mỹ Tho A)

Theo Trí thức trẻ

0