Có nên bám trụ tại ngân hàng khi thời gian dành cho gia đình ngày càng eo hẹp?
Bị "thượng đế” mắng sa sả là chuyện thường
Đối với nhân viên ngân hàng, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, thì áp lực về tinh thần cũng rất lớn bởi họ là những người làm dịch vụ. Thực tế có rất nhiều câu chuyên bi hài khi làm việc với khách hàng đã trở thành bài học kinh nghiệm của mỗi người làm trong nghề.
Chị Mai Chi (Hà Đông- Hà Nội) làm ở bộ phận giao dịch cho biết, hàng ngày chị phải tiếp xúc với biết bao nhiêu người. Có những lúc đông người, có khi khách phải đợi chờ lâu, hay quy định của ngân hàng không phù hợp với yêu cầu của khách, hoặc không làm thỏa mãn họ…khiến không ít người không thông cảm và tỏ vẻ khó chịu, thậm chí mắng sa sả nhân viên.
Chị Chi cho biết do đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề nên những tình cảnh như vậy không có gì là lạ, song đối với những người mới vào nghề thì những lần bị khách mắng làm họ cảm thấy áp lực vô cùng.
Ở vị trí khác, anh Trần Long, một chuyên viên khách hàng cao cấp chia sẻ, công việc hằng ngày của anh là tiếp xúc với những khách hàng VIP - những người có địa vị, có học vấn, thành đạt và lịch sự - chính vì vậy việc hiểu và thông cảm với các nhân viên cũng đỡ hơn.
Mặc dù ít bị tổn thương, ít gặp tình cảnh bị khách hàng mắng té tát như một số trường hợp đã xảy ra tại quầy giao dịch phổ thông, song theo anh Long, để chiều được những vị "Thượng đế" này, anh và đồng nghiệp phải hết sức tận tụy cả trong tư vấn lẫn khi phục vụ,
Anh Long cho biết có hôm anh phải đi xe máy hàng chục cây số, bất chấp mưa nắng đến địa điểm gặp khách hàng. Cũng nhiều lần anh đến nơi không gặp được do khách bận đột xuất và có khi phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, cũng có trường hợp gặp được khách nhưng kết quả lại không được như ý vì khách thiếu giấy tờ mặc dù đã nhắc khách hàng mang đầy đủ...
Chị Thảo – một cán bộ tín dụng lại tâm sự: “Làm ngân hàng cũng chẳng khác gì làm dâu trăm họ, nhân viên nếu chẳng may mắc lỗi, chỉ cần một lỗi nhỏ cũng sẽ bị khiến trách khi khách hàng phàn nàn, kiến nghị lên cấp trên. Còn nếu khách hàng có lỗi hay có vấn đề bất cập gì từ phía họ, ví như khách quên hẹn hay làm sai quy trình, chúng tôi vẫn phải vui vẻ, tươi cười và bình tĩnh xử lý, hướng dẫn”.
Nhìn thấy "Sếp" là thấy... chỉ tiêu
Không chỉ với khách hàng, nỗi lo khủng khiếp với mọi nhân viên ngân hàng còn là áp lực về chỉ tiêu và doanh số. Từ giao dịch viên, chuyên viên dịch vụ khách hàng đến cán bộ tín dụng hay kể cả cán bộ kỹ thuật cũng bị áp chỉ tiêu về huy động, thẻ, dư nợ...
Trong khi đó, tại hầu hết các ngân hàng, mỗi lần tổng kết tháng, quý, năm, chỉ tiêu các sếp đề ra ngày một lớn, áp lực mỗi ngày thành một vòng xoáy khổng lồ hơn. Nhân viên trong nghề vẫn nói vui với nhau: Nhìn thấy sếp là thấy chỉ tiêu.
Chị T. Trang, một chuyên viên quan hệ khách hàng ở ngân hàng V. cho biết, năm trước chỉ tiêu huy động vốn của chị là 2,8 tỷ đồng/tháng, đến năm nay sếp giao chỉ tiêu lên 3,2 tỷ. Để hoàn thành được chỉ tiêu này, không còn cách nào khác, chị phải tận dụng mọi mối quan hệ từ người thân, gia đình, bạn bè và nhờ họ giới thiệu thêm khách hàng mới.
Dù khá áp lực nhưng theo chị T.Trang, tại các ngân hàng khác bạn bè của chị làm cũng bị áp chỉ tiêu, thậm chí có người còn cao hơn.
Không những áp lực từ chỉ tiêu doanh số mà còn hàng loạt tiêu chí khác đã làm nản lòng không ít những người mới vào nghề. Chẳng hạn với nhân viên tín dụng, ngoài áp lực doanh số cho vay thì nỗi sợ hãi vướng vòng lao lý cũng làm họ hoang mang. Đặc biệt các vụ án liên quan tới sai phạm trong cho vay được phanh phui càng nhiều, một số cán bộ chia sẻ họ vừa cho vay vừa run, có dự án còn lo mất ăn mất ngủ vì đôi khi có nhiều rủi ro từ phía khách hàng không lường trước được. Hay với người làm giao dịch lại canh cánh nỗi lo nhầm lẫn số liệumà phải đền tiền, hoặc với nhiều vị trí khác là nỗi lo bị cắt giảm lương thưởng, sa thải...
Thiếu vắng thời gian cho gia đình
Là người đã có gia đình và hai con nhỏ, chị Mai Chi thở dài khi chia sẻ về cuộc sống gia đình bởi cả hai vợ chồng chị đều về muộn, trong khi lại chưa tìm được người giúp việc. Mỗi ngày riêng thu xếp chuyện gia đình cũng đã đủ khiến chị đau đầu.
Đối với người trẻ tuổi hơn, thời gian dành cho công việc đã lấn chiếm nhiều hoạt động giải trí khác, thậm chí là kế hoạch lập gia đình. Chị Kim Anh (26 tuổi) tâm sự: “Sau một ngày làm việc căng thẳng, về đến nhà là 7-8 giờ, ăn uống, tắm rửa xong tôi chỉ muốn nghỉ ngơi để ngày hôm sau còn đi làm nên cũng không có nhiều thời gian để tìm người yêu hay đi chơi, mua sắm, café với bạn bè. Không biết sau này có gia đình, tôi có còn đủ sức theo được nghề không?”
Trên cộng đồng mạng, những câu chuyện về việc nhân viên ngân hàng phải viết đơn xin nghỉ vì công việc quá áp lực, đến mức không có thời gian cho gia đình đã được lan truyền khá nhiều trong thời gian qua.
Trường hợp cụ thể nhất là một nhân viên nữ của ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Quảng Ninh, do không vượt qua những áp lực nghề nghiệp và thiếu vắng thời gian đến nỗi phải ăn vội bữa sáng trong nhà vệ sinh đã phải từ bỏ công việc mình yêu thích. Hay một trường hợp khác xảy ra gần đây, một nhân viên tín dụng vì quá mải mê theo đuổi chỉ tiêu đã không còn nhớ gia đình mình là ai, người thân bạn bè cũng quên và gia đình phải đưa cô vào bệnh viện tâm thần để chữa trị.
Nhiều khó khăn nhưng vẫn "hot"
Nhìn nhận về những góc khuất của nghề ngân hàng, một chuyên gia trong ngành cũng thừa nhận ngân hàng là môi trường có tần suất công việc khá cao, áp lực lớn tuy nhiên nếu nhân viên quyết định nghỉ việc vì những vấn đề như vậy thì nên cân nhắc, bởi công bằng mà nói lương thưởng ngân hàng khá hấp dẫn và để có một vị trí trong này cũng phải cạnh tranh khốc liệt chưa kể nếu chuyển sang các ngành nghề khác có thể cũng sẽ đối mặt với áp lực không kém.
Điều quan trọng là mỗi người cần tìm ra hướng giải quyết, chẳng hạn, khi một nhiệm vụ được giao, hãy bình tĩnh để tìm ra mấu chốt của vấn đề, coi đó như một cái khóa, rồi xem vướng mắc ở đâu, khi ấy mới giải quyết nhanh gọn được vấn đề và tiết kiệm được thời gian cho những việc khác đồng thời chăm sóc được gia đình nhiều hơn.
Trao đổi thêm với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ, ngân hàng là ngành dịch vụ đặc thù, rất khó làm và đã làm thì phải có lợi nhuận và chuyện áp chỉ tiêu là hiển nhiên. Việc áp chỉ tiêu, theo vị này, cũng nhằm tạo ra động lực để nhân viên liên tục phát triển và phấn đấu.
Theo Trí thức trẻ