Con đường sự nghiệp của người làm tín dụng rộng thênh thang, nhiều CEO, CFO ngân hàng vẫn xuất phát từ tín dụng đấy thôi!

Khi nghĩ về nghề tài chính ngân hàng, thông thường chúng ta hay liên tưởng tới những con số khô khan trong bảng cân đối kế toán, những phương pháp phân tích chỉ số tài chính, những “rủi ro” khi nhầm lẫn một số không (0) trong bảng cân đối kế toán, những rủi ro “pháp lý” trong tác nghiệp… Những điều này rất dễ hiểu. Hoạt động kinh doanh và doanh thu của ngân hàng căn cứ trên rủi ro và kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro trong hoạt động tín dụng, một hoạt động gắn bó mật thiết với sức khỏe tài chính của khách hàng và những con số, chỉ số phát sinh từ bảng cân đối kế toán. Tại các ngân hàng nội địa nhiều năm qua, nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu. Trong khuôn khổ của bài viết, người viết xin phép chỉ tập trung vào một hoạt động trong nhiều hoạt động đa dạng của ngân hàng, đó là hoạt động tín dụng.

null

Rất nhiều thông tin không tốt trên các phương tiện truyền thông thời gian vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng với những đại án như Trầm Bê của Sacombank, Phạm Công Danh-Hứa Thị Phấn của VNCB, Hà Văn Thắm của Oceanbank,… ngày càng làm cho người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là những nhân sự chịu trách nhiệm trong việc thẩm định tín dụng, phê duyệt tín dụng, người đại diện cho phần góp vốn của những cổ đông lớn, những con người phải vướng vòng lao lý vì cố ý làm sai trong hoạt động tín dụng, hoạt động mà họ bắt buộc phải rất vững chắc về kiến thức nghiệp vụ và pháp lý.

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, là nơi huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân bằng cách trả lãi tiền gửi và sử dụng nguồn vốn này để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống trong nền kinh tế. Khi người dân cảm thấy “lo lắng” về hoạt động tín dụng của ngân hàng, có thể họ cũng sẽ không “an tâm” khi gửi tiền vào ngân hàng, điều này sẽ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn vốn trong nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách, công việc điều hành của Chính phủ. Ngoài việc không an tâm gửi tiền vào ngân hàng, các gia đình cũng hướng con em ứng tuyển vào các ngành nghề không phải là tài chính ngân hàng trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, hậu quả là số lượng ứng viên dự tuyển vào ngành tài chính ngân hàng thời gian qua rất thấp, mặc dù điểm chuẩn khá thấp so với các ngành nghề khác.

Là người đã có hơn 12 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, đã có nhiều cơ hội trải nghiệm và quan sát những thăng trầm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thời gian qua, tác giả vẫn luôn có niềm tin và thái độ tích cực đối với hoạt động tín dụng. Việc người đi vay phải “cậy nhờ” người cho vay đã thuộc về lịch sử, hoạt động tín dụng hiện đại là hoạt động bán hàng chủ động, đòi hỏi ngân hàng phải tích cực, chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay. Chỉ khi chủ động tìm kiếm khách hàng vay, ngân hàng mới có cơ hội sàng lọc khách hàng tốt, đảm bảo thu hồi vốn sau khi phát vay và thông qua đó tạo niềm tin đối với khách hàng gửi tiền.

Người công tác trong lĩnh vực tín dụng một mặt phải nắm vững và thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn về tài chính ngân hàng, mặt khác còn phải không ngừng học hỏi các kiến thức khác trong lĩnh vực bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản trị doanh nghiệp, cũng như phải cập nhật thường xuyên các thông tin, kiến thức trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, đời sống,..

Ngoài ra, việc không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân cũng là yêu cầu bắt buộc đối với cá nhân người làm tín dụng. Tại sao lại như vậy? Việc chủ động tìm kiếm khách hàng đòi hỏi nhân sự làm tín dụng phải biết cách bán hàng, thu hút khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng của mình đang công tác. Sau khi khách hàng đã nhận được tiền vay thì trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng hiện nay, nhân sự “Quan hệ khách hàng” (thời gian trước còn gọi là “cán bộ tín dụng”) phải biết chăm sóc khách hàng hậu mại để tránh việc lôi kéo khách hàng từ các ngân hàng bạn, tìm hiểu thêm các nhu cầu “tiềm năng” khác của khách hàng và đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hợp lý và hợp pháp các nhu cầu của khách hàng.

Quan hệ khách hàng phải là người nhận diện được rủi ro tài chính và tư vấn kịp thời cho khách hàng. Quá trình chăm sóc khách hàng cũng giúp Quan hệ khách hàng nhận diện được các vấn đề, rủi ro trong công tác quản trị của khách hàng, từ đó đề xuất các giải pháp hợp lý đến khách hàng. Việc thường xuyên cập nhật các kiến thức văn hóa, xã hội, đời sống giúp ích cho Quan hệ khách hàng rất nhiều vì khi quan hệ giữa khách hàng-ngân hàng ngày nay đã trở thành quan hệ đối tác cùng thắng (win-win), thì lúc này quan hệ giữa khách hàng-Quan hệ khách hàng đã gần như trở thành “bạn bè”. Khi “bạn bè” gặp gỡ nhau, ngoài thông tin về chuyên môn nghiệp vụ thì chúng ta cũng nên bàn đến các vấn đề xã hội, đời sống, văn hóa, để nâng cao sự gần gũi giữa đôi bên, từ đó giúp cho việc quản trị quan hệ với khách hàng dễ dàng hơn.

 Đối với vấn đề đạo đức, nhân sự làm việc trong hoạt động tín dụng cần phải chính trực, trung thực, công tâm, có sức mạnh tinh thần cưỡng lại cám dỗ của lợi ích vật chất vì hoạt động tín dụng là hoạt động liên quan mật thiết đến tiền tệ, rất dễ cám dỗ con người. Người làm công tác tín dụng phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Hoạt động tín dụng với nền tảng là niềm tin, nếu nhân sự làm tín dụng có đạo đức không tốt thì rất dễ đặt niềm tin sai chỗ, từ đó sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân hàng người đó công tác nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

Với những phân tích như trên và yêu cầu đặt ra đối với người làm tín dụng thì chúng ta dễ nhận thấy rằng làm tín dụng là việc không dễ dàng. Với những ai dám chấp nhận thử thách và đam mê học hỏi thì việc dấn thân vào công việc tín dụng sẽ giúp người đó rèn luyện được bản lĩnh và không ngừng nâng cao kiến thức. Con đường sự nghiệp của những người làm tín dụng chân chính rất thênh thang, sáng sủa. Rất nhiều CEO, CFO của các ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay có xuất phát điểm từ vị trí người làm tín dụng. Ngoài ra, với lời kêu gọi và khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ hiện nay, với kinh nghiệm và kiến thức tối thiểu từ 3-5 năm trong lĩnh vực tín dụng, người làm tín dụng chân chính sẽ có đủ tự tin và bản lĩnh bước đi trên con đường khởi nghiệp của riêng mình.

Vạn sự khởi đầu nan! Với khởi đầu đầy thách thức và rất nhiều cám dỗ, thành công sẽ chỉ đến với những ai biết dấn thân và thử thách bản thân mình. Thông qua bài viết này, người viết hy vọng các bạn trẻ ngày nay sẽ quan tâm nhiều hơn đến nghề tài chính ngân hàng, đặc biệt là nghề tín dụng, một nghề đòi hỏi cả tài, tâm lẫn đức.

Phùng Hoàng Nguyên (Giám đốc quan hệ khách hàng cao cấp HDBank)

Theo Trí thức trẻ

0