Đi qua khó khăn mới thấy giá trị của hạnh phúc

03/9/2017, tròn hai năm tôi bước chân vào BIDV, nhớ lại cảm xúc vẫn như ngày đầu tiên mới bắt đầu. Kể lại câu chuyện từ lúc chập chững bước vào ngành, kinh nghiệm, kĩ năng với nghề bắt đầu từ con số 0, khoảng thời gian 2 năm vào ngành vẫn chỉ là khởi động, nhưng cũng để lại trong tôi biết bao dấu ấn, có giọt nước mắt, có nụ cười hạnh phúc, có thử thách, khó khăn và rất rất nhiều trải nghiệm, để hôm nay ngồi nhìn lại chặng đường đã đi qua, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn ….

Dám thử sức, dám cống hiến

Ra trường năm 2015, khoảng thời gian mà sinh viên ra trường như tôi đều thấy hoang mang lo lắng vì cung lao động khủng hoảng thừa, bằng tốt nghiệp đỏ chói trong tay nhưng vẫn bị từ chối thẳng thằng. Nhưng trong hoàn cảnh nào thì cũng tìm được cách giải quyết, chỉ cần bạn dám theo đuổi ước mơ, dám thử sức, đối mặt với thử thách.

null

Ngân hàng vẫn là nghề mà tôi yêu mến và trân trọng từ những ngày đầu thời sinh viên, thoạt nhìn các anh chị trong bộ đồng phục đoan trang, quần áo sơ vin chỉnh tề, khuôn mặt luôn rạng rỡ niềm nở, tôi lại càng có ước muốn và định hướng cho nghề nghiệp sau này của mình hơn. Không ai là thành công và suôn sẻ ngay từ lần đầu tiên, ròng rã gần 1 năm, tôi tìm hiểu thông tin về đợt tuyệt dụng Ngân hàng trên mạng, group ôn thi, đọc tài liệu, rèn luyện các tình huống kĩ năng ứng xử, trả lời câu hỏi,…tưởng trừng hành trang cũng chuẩn bị kha khá, những tôi vẫn bị rớt trong đợt tuyển dụng vào 1 trong 4 ngân hàng lớn.

Cơ hội vẫn còn nhiều, thất bại mới là bước khởi động, tôi đã không từ bỏ. Và cơ hội chỉ đến cho những ai có cố gắng, có niềm tin và quyết tâm chinh phục, gạt khỏi những suy nghĩ tiêu cực về ngành Ngân hàng, về tình trạng con ông cháu cha, tham ô đút lót chạy chọt như mọi người vẫn nói vui với nhau, hãy cứ ôn thi nghiêm túc, chuẩn bị tốt về kiến thức, kĩ năng, trang phục, quan trọng là có niềm đam mê với nghề, không khó để đạt được mục tiêu, và tôi đã có duyên với BIDV, với nghề ngân hàng như thế, có duyên được về lại chính quê hương của mình để bắt đầu sự nghiệp!

Đọc tài liệu chưa bao giờ là thừa

2 tháng thử việc là thời gian ngao ngán nhất không chỉ riêng tôi mà hẳn tất cả các Banker đã trải qua. Đang trong khí thế hừng hực, nhiệt huyết, quyết tâm cao của một con người vượt qua bao thí sinh khác để có một chỗ đứng trong ngành, chỉ muốn được bắt tay ngay vào việc, làm và cống hiến hết sức mình, nhìn các anh các chị đang thực hành mà thèm muốn ao ước.

Nhưng muốn làm được việc thì cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, trong 2 tháng ấy, bản thân mỗi người phải thực sự cố gắng, chủ động, tìm kiếm, nghiên cứu, nghe ngóng, ghi chép cẩn thận, học hỏi mọi vấn đề. Ngân hàng là một trong những ngành liên quan đến nhiều bộ luật nhất, từ luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật đất đai,…rồi đến các văn bản nội bộ ngành, phong cách ứng xử, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp,... Trong thời gian thử thách, bắt buộc phải đọc nhiều đến vậy thì vào đầu được bao nhiêu?! Chắc hẳn đây là câu hỏi mà ai bắt đầu vào ngành như tôi đều thắc mắc, nhưng thời gian trôi đi, sau 2 tháng ấy, được bắt tay vào công việc thực tế, vướng chỗ nọ, mắc chỗ kia, tất cả đều được giải đáp nếu như bạn đã đọc. Nhớ lại trong đầu à hình như mình đọc ở đâu rồi, nó được quy định trong văn bản nào rồi, hướng dẫn thực hiện ra sao, khi đó chỉ cần mở lại sổ ghi chép, tìm tên văn bản, lật và giở lại tài liệu, lúc đó mới thấm thía những gì mình được đọc quan trọng như thế nào.

Đi sâu vào thực tế - Thử thách mới thực sự bắt đầu

Nói đến nghề Ngân hàng, chắc hẳn ai cũng cho rằng đây là nghề gò bó về thời gian và chỉ tiêu nặng nề nhất. Đúng như vậy, đối với một cán bộ quản lý khách hàng, thử thách đến với mỗi chúng tôi ngày một lớn hơn, khi mà sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt, khách hàng cũng lựa chọn kĩ càng và cẩn thận hơn, những áp lực về con số ngày càng đè nặng hơn. Ra khỏi nhà lúc 6h30 sáng và kết thúc ngày làm việc là khi phố đã lên đèn, hầu hết thời gian làm việc đều từ 10-12 tiếng. Trong giờ thì tiếp xúc với khách hàng, phát triển và tìm kiếm thị trường, phục vụ tối đa làm sao cho thời gian giao dịch ngắn nhất, khách hàng không phải đợi chờ, ra về luôn thấy vui vẻ, thoải mái về phong cách phục vụ, muốn quay trở lại và gắn bó dài lâu. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi lại tranh thủ hoàn thiện nốt hồ sơ giấy tờ để kịp cho khoản vay tiếp theo. Thời gian cũng chỉ 24 tiếng 1 ngày, cũng ước gì có nhiều hơn để công việc được nhanh chóng hơn.

Khi mà chưa kịp quen với quy trình hiện tại thì công nghệ mới lại xuất hiện, các bước các khâu chặt chẽ hơn, kiểm soát rủi ro cao hơn, bắt buộc chúng tôi phải vừa tìm hiểu mày mò, thao tác, thích nghi mà đồng thời không làm chậm thời gian giao dịch của khách hàng. Áp dụng chương trình mới với yêu cầu quản lý rủi ro cao, khoảng thời gian đó nhiều hôm anh chị em trong phòng hết giờ giao dịch đã lâu vẫn nán lại, vào kho tìm lại hồ sơ từ những 10-15 năm về trước, dọn dẹp sắp xếp lại, mỗi người một tay, một công đoạn, đóng gói, buộc dây, đánh số, cứ thế ngăn nắp gọn gàng, xong xuôi đâu đấy ngẩng mặt lên cũng đã 9 rưỡi tối, chưa ai ăn uống tắm giặt, mặt mũi phờ phạc lấm lem, tưởng chừng đặt lưng xuống là khò khò một giấc ngon lành. Nhưng khó khăn nào rồi cũng trải qua, có vất vả mới đạt được thành quả, chính những lúc cùng nhau làm việc, mới nhận thấy tập thể luôn đoàn kết, tình cảm của anh chị em dành cho nhau, cùng chia sẻ hỗ trợ nhau để hoàn thành việc, không gì quý giá hơn bằng tình đồng đội.

Với tính chất công việc, được đi, được va chạm, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, hiểu biết và mở mang tầm mắt. Thời gian chạy trên đường còn nhiều hơn thời gian ngồi phòng làm việc, khắp các ngõ ngách, tên đường tên phố, đi mãi rồi nhớ, rồi quen. Đầu như google map thu nhỏ, ngoài để định vị ngôi nhà nằm ở đâu, trên mặt đường rộng bao nhiêu m, còn xác định được nhà hàng xóm đang rao bán bao nhiêu tiền nữa,…Mỗi lần đi là một trải nghiệm mới, đến một vùng đất mới, khám phá ra những nét đẹp trù phú của quê hương mình. Thầm nghĩ công việc có đi lại vất vả, mệt mỏi thật đấy, nhưng so với những công nhân lao động ngoài trời kia, quanh năm suốt tháng đầu đội trời chân đạp đất, giãi nắng dầm mưa thì chúng tôi vẫn thật may mắn.

Nếu ai đó ví von nghề của tôi đang làm như làm dâu trăm họ cũng không sai. Bạn không thể tiếp xúc khách hàng của mình với một khuôn mặt ủ rủ, muộn phiền, mệt mỏi dù đang gặp chuyện. Khi bắt đầu vào công việc, tất cả tâm trạng đều gạt sang một bên, trong người luôn sẵn sàng nguồn năng lượng để bùng cháy, lúc nào cũng thật tươi cười, niềm nở. Có những hôm gặp khách hàng khó tính, chưa hiểu rõ mọi chuyện, chưa nghe giải thích đầu đuôi đúng sai đã lớn tiếng quát nạt, mắng mỏ, lúc đó chỉ muốn trực trào nước mắt, vừa tức, vừa tủi, vừa buồn, nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh, kìm nén, nhẹ nhàng nói chuyện, giải thích cặn kẽ để khách hàng hiểu ra vấn đề, mình làm sai thì nhận lỗi. Rồi sau đó cách để lấy lại tinh thần nhanh nhất là chạy ra ngoài, hít một hơi thật sâu, khóc một trận thật lớn, mọi buồn phiền sẽ trôi đi hết. Không ai là không mắc sai lầm, nhưng quan trọng là giữ tinh thần luôn vững vàng, mạnh mẽ, không để ảnh hưởng đến công việc và tập thể.

 

Đi qua khó khăn mới thấy giá trị của hạnh phúc

Nhìn lại quãng thời gian 2 năm gắn bó với nghề, chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường dài phía trước, ngắn ngủi thôi những đã giúp tôi rèn luyện bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều. Tự nhiên thấy yêu mến công việc đang làm, yêu sự bận rộn, yêu cái tên mọi người vẫn gọi cô Ngân hàng. Không có một ngành nghề nào mà không chịu áp lực, cả đất nước hòa chung trong không khí hội nhập của nền kinh tế, cũng gồng mình kèn cựa với sự cạnh tranh gay gắt của các nước đang phát triển khác để vươn lên khẳng định vị trí, vậy bản thân mỗi người lao động nói chung và ngành Ngân hàng như tôi nói riêng cũng vậy, nếu không cố gắng, không trải qua thử thách, không bị áp lực bởi những con số thì mãi mãi cũng không thể phát triển, chỉ dậm chân tại chỗ, mỗi mục tiêu hướng tới là muôn vàn khó khăn đang chờ, là trăn trở làm sao để hoàn thành, nhưng đừng vì thế mà sợ hãi, chia nhỏ mục tiêu, từng bước hoàn thành việc nhỏ, góp gió ắt sẽ thành bão.

Có những ngành nghề chỉ bận rộn theo mùa theo thời điểm, nhưng riêng trong lĩnh vực của tôi lúc nào cũng tất bật, khẩn trương, quanh năm suốt tháng, với bộ hồ sơ, với những con số, với hàng triệu, hàng trăm, hàng tỷ,... Nhưng xét cho cùng tôi vẫn cảm thấy vui khi còn được bận rộn, bởi vì khách hàng vẫn tin tưởng, vẫn chọn Ngân hàng là bạn đồng hành để phát triển. Môi trường làm việc tại Ngân hàng để rèn dũa con người tôi thêm nhanh nhẹn, năng động, trưởng thành, biết ứng phó, xử lý linh hoạt trước những tình huống khó, thêm mạnh mẽ cứng cáp khi tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, thật may mắn khi nghề nghiệp đã cho tôi được nhiều trải nghiệm đến vậy.

Với tôi 2 năm gắn bó với ngành vẫn chỉ là bắt đầu cho một hành trình dài đầy khó khăn phía trước, nhưng trong suốt thời gian đấy, từ một đứa con gái rụt rè, ít nói, ít am hiểu kiến thức kinh tế xã hội đã được thay đổi, môi trường làm việc tại Ngân hàng đã dạy tôi biết cách nói chuyện khéo léo, thuyết phục và để lại ấn tượng với khách hàng như thế nào, dạy tôi biết kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh hiền hòa những lúc nóng nảy bức xúc vì những tình huống không đáng có, biết cách sắp xếp cân bằng thời gian công việc và cuộc sống, quý trọng từng giờ từng phút giây. Công việc được đi đây đi đó, đặt chân tới vùng đất mới, được mở mang tầm mắt trước vẻ đẹp của thiên nhiên mang lại, phát hiện ra quê hương mình còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển mới.

Khi nhìn lại chặng đường đã trải qua, kể lại câu chuyện với cảm xúc giản dị và chân thành nhất, tôi muốn truyền cảm hứng và tiếp thêm niềm tin cho các bạn sinh viên còn đang băn khoăn ngập ngừng khi chọn Ngân hàng, hãy cứ ước mơ, dám thử sức mình, chuẩn bị hành trang vững vàng, luôn có công bằng dành cho những ai có đam mê với nghề thực sự. Đồng thời cũng chia sẻ với các anh chị em cùng làm nghề, về những kỉ niệm, niềm vui nỗi buồn mà ai cũng từng trải qua, nhưng hơn hết là luôn thấy yêu nghề, tự hào, trân trọng những giá trị mà nghề Ngân hàng mang đến, muốn gắn bó, cống hiến bằng sức trẻ, nhiệt huyết, thành công không tự nhiên mà đến, đi qua khó khăn mới thấy giá trị của hạnh phúc!

Nguyễn Thị Mỹ Linh (BIDV Phú Thọ)

Theo Trí thức trẻ

0