Dù những cú sốc hay khó khăn đến nghẹt thở, nhưng có đam mê và niềm tin bạn vẫn sẽ tìm thấy vinh quang

Mỗi người đều có quyền có được ước mơ của mình, đúng vậy, nghề ngân hàng, là cái nghề mà tôi mơ ước từ lúc còn bé xíu, đơn giản vì tôi có người Dì ruột làm ngân hàng. Từ nhỏ đã thấy Dì mặc áo dài rất đẹp đi làm, tôi ấn tượng và nhớ nhất là bộ áo dài màu xanh da trời của ngân hàng Dì, ngay từ lúc đó tôi đã có một khao khát rất lớn và mơ ước một ngày có thể được như dì, được mặc quần áo đẹp và được ngồi làm việc trong không gian sang trọng. Đó là ước mơ về nghề nghiệp tương lai của tôi từ thuở nhỏ, từ suy nghĩ rất thơ ngây, trẻ con.

Tôi nhớ cái ngày ghi hồ sơ dự tuyển sinh đại học, mặc dù cha tôi định hướng cho tôi chọn cái nghề khác “ngành y dược” một cái nghề mà cha tôi cho rằng rất thiêng liêng và có tương lai, tôi cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm chọn ngành tài chính ngân hàng.

null

Tôi cũng nhớ như in những ngày trông chờ kết quả thi đại học, cảm giác hồi hộp, suy nghĩ lung tung “không biết lỡ rớt thì mình tính sao đây, luyện thi thêm năm nữa hay là xin xét tuyển trường khác, hay là thi cao đẳng,...” biết bao suy nghĩ trong đầu tôi. Cái ngày có kết quả thi trên báo Tuổi trẻ, cảm xúc trong tôi vỡ òa, tôi đã đậu được cái ngành mà tôi mơ ước.

Bốn năm xa gia đình để bước vào giảng đường đại học cũng trôi qua, cầm tấm bằng đại học trong tay, may mắn đến với tôi khi chỉ sau hai tháng tốt nghiệp tôi được nhận vào làm hợp đồng tại một ngân hàng để chờ thi biên chế. Cũng từ đó tôi được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau khi bước chân vào ngành ngân hàng, mà đôi khi tôi muốn dừng lại không muốn tiếp tục đi nữa.

Cú sốc đầu tiên khi bước chân trên đường đời chính là ngày có kết quả thi biên chế chính thức sau khoảng gần một năm làm hợp đồng. Mặc dù thi tốt và điểm cũng khá cao, thế nhưng khi có thông báo chính thức mình bị “rớt”, phải chờ thi biên chế năm sau. Và niềm tin trong tôi đối với ngành ngân hàng bắt đầu lung lay…

Do tâm trạng chán nản sau khi rớt biên chế khiến tôi có suy nghĩ nên đi tìm một cơ hội mới, trong một lần tìm được thông tin ngân hàng đang tuyển dụng, tôi đánh liều làm hồ sơ thi, nói thật lúc đó tôi thi là để thử thách bản thân cộng với tâm trạng đang thất vọng nên thi thử nhưng không nghĩ sẽ được chọn, tôi nhớ lúc đó tôi thi chức danh “giao dịch viên”, sau khi đậu vòng test online nghiệp vụ, tôi đi phỏng vấn và tôi nghĩ mình sẽ rớt, vì các bạn đi thi chung đợt toàn xinh xắn, bản thân mình thì không xinh như người ta. Đi thi với một tâm trạng rất thoải mái, hoàn toàn không áp lực, vì nghĩ nếu rớt thì vẫn làm chỗ cũ thôi. Nhưng hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán, tôi “rớt” chức danh giáo dịch viên.

Một bất ngờ 1 tháng sau đó, ngân hàng gọi cho tôi báo là tôi đậu nhưng với chức danh “nhân viên hỗ trợ tín dụng”, tôi nghĩ chắc do tôi đã có kinh nghiệm về tín dụng ở ngân hàng cũ nên mới được chọn vào chức danh chẳng liên quan gì đến chức danh đăng ký thi.

Thế là một cuộc tranh đấu tranh tư tưởng bắt đầu xảy ra, “nên nghỉ chỗ cũ hay không? Chỗ mới có tốt hay không,...”. Cuối cùng, tôi quyết định chọn chỗ làm việc mới, ngay tại trên quê hương của tôi, một ngân hàng cổ phần thuộc top các ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng.

Thật trùng hợp, ngày tôi được gọi vào làm đúng ngay ngày cưới của tôi, ngày 14/02, thế là ngay ngày làm việc đâu tiên tôi đã xin nghỉ phép vì trùng ngày cưới, tôi nghĩ đó cũng là cơ duyên. Thế là sau ngày cưới, tôi bước chân vào ngân hàng mới, hoàn toàn không rụt rè vì đã có 1 năm làm ở ngân hàng cũ, nói là nói vậy nhưng dù sao cũng có cái cảm giác sợ sợ vì không biết tương lai sẽ như thế nào.

Nhưng ở một môi trường làm việc nào thì cũng có nhiều kiểu người với nhiều tính cách khác nhau, chưa kể môi trường ngành tài chính lại càng khắc nghiệt hơn với sự cạnh tranh gay gắt hơn, ngay cả trong nội bộ ngân hàng. Bản thân tôi tính cách không thích sự cạnh tranh, tôi cần sự ổn định, tôi cố gắng làm việc hết sức mình không vì mục đích cạnh tranh với ai, đơn giản chỉ vì lòng tư tôn cao, không muốn bị người khác đánh giá thấp năng lực mình, cho dù làm ở vị trí nào.

Là người mới, tôi phải làm hết những gì người cũ giao cho mình, nói cách khác là “người cũ sai mình như sai vặt” cho dù không nằm trong phạm vi công việc tôi vẫn làm. Tôi tự tìm tòi, học hỏi những người khác cho dù trong đó có một vài người không muốn hướng dẫn mình vì lý do nào đó, thì tôi vẫn không bỏ cuộc, vì bên cạnh đó cũng có những người anh chị hỗ trợ mình hết mình.

Và tôi cố gắng làm việc như thế, tự động viên mình, vì cuộc sống, vì đam mê không được phép bỏ cuộc. Đôi khi tôi tự nghi ngờ bản thân mình có đang ảo giác về cuộc sống màu hồng khi được làm trong một ngành mà rất rất nhiều người ngưỡng mộ, khao khát nhưng không được.

 

Không biết như trường hợp của tôi có gọi là may mắn không, khoảng bốn tháng sau khi vào làm tôi được thăng tiến từ vị trị “nhân viên hỗ trợ tín dụng” qua vị trí “kiểm soát viên tín dụng” nhưng lại “được giữ nguyên lương của nhân viên hỗ trợ”, bản thân ban đầu cũng cảm thấy sốc vì trách nhiệm nặng hơn nhưng thu nhập vẫn không được tăng. Nhưng tôi tự an ủi rằng cứ tiếp tục cố gắng vì dù sao vị trí kiểm soát viên là vị trí mà các anh chị cùng ngân hàng vào làm trước tôi mong muốn có nhưng chưa được, trong khi mình lại được chọn thì chắc là ngân hàng cũng ghi nhận năng lực mình, thế là tôi lại tiếp tục cố gắng, cố gắng và cố gắng. Đương nhiên, trong quá trình làm việc ở vị trí mới thì ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có khi bị ban giám đốc nhắc nhở vì có anh chị em nào đó “méc” mình làm sai gì đó, vì mình mới đảm nhận vị trí mới nên sai sót là chuyện bình thường, anh chị em nào thương mình sẽ chỉ dẫn lại mình, còn không thì chắc chắn sẽ bị “méc” đến “khóc”.

Áp lực sẽ làm cho con người ta trưởng thành hơn nếu ta sẵn sàng đương đầu mà không trốn chạy. Hơn hai năm sau đó, tôi được bổ nhiệm vào vị trí trưởng bộ phận, rồi ba năm sau lại tiếp tục được đề bạt vào vị trí phó phòng cho đến nay với mức lương xứng đáng.

Trong quá trình đó tôi đã trải qua không ít áp lực đè nặng bản thân, rất nhiều lần có ý định nghỉ việc, có lúc tưởng chừng như nghẹt thở khi bước vào nơi làm việc, nhưng tự nhủ mình phải cố gắng cho dù mọi thứ có tồi tệ hơn thế, thì vẫn phải chiến thắng áp lực không phải vì mình mà còn vì gia đình và người thân mình.

Và tôi biết con đường sắp tới tôi sẽ còn đương đầu với nhiều khó khăn, áp lực trong công việc. Nhưng tôi tự nhủ không có con đường đi đến vinh quang nào mà không có chông gai, thách thức. Tôi sẽ tiếp tục đương đầu với nó.

Tôi đã đọc ở đâu đó của một bạn trẻ làm ngân hàng “gia đình đã cho tôi điểm tựa để đối đầu cái thứ mà tôi đang bế tắc và vô cùng chán nản sau thời gian dài ảo tưởng về nó”. Qua câu chuyện của tôi, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang làm ngân hàng cũng như sắp bước chân vào nghề ngân hàng, “trong bất cứ ngành nghề nào cũng có sự chọn lọc và đào thải, đặc biệt là ngành tài chính, thì tỷ lệ chọn lọc và đào thải càng cao, nếu ta không vững tâm thì rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi. Chưa đến bước đường cùng thì bạn hãy tự tin vào lựa chọn của bản thân mình, vì tôi luôn tin “khi một cánh cửa đóng lại một cánh cửa khác sẽ mở ra”.

Nguyễn Tú Quyên (Sacombank Vĩnh Long)

Theo Trí thức trẻ

 

 
0