Giấc mơ có thật!
Nghề Ngân hàng là cả một ước mơ đối với bản thân tôi từ lúc còn là một cậu học sinh cấp 3, vì thế cho nên tôi chọn đó là ngành mà mình theo học. Tôi càng tin yêu hơn vì câu nói của một giảng viên như tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, rằng là “Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế”, vì tôi hiểu dù nó có trải qua khó khăn, thăng trầm như thế nào thì sứ mệnh của nó vô cùng quan trọng.
Cuối năm 2014, trong một lần thấy băng rôn tuyển dụng theo chương trình “Thực tập viên tiềm năng Sacombank năm 2015” treo ở cổng chính của trường, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ, có phải đây là cơ hội cho một sinh viên năm cuối như tôi. Và với bộ hồ sơ chỉnh chu nhất, cuối cùng qua 3 vòng thi và phỏng vấn tôi cũng đã chính thức được nhận là Thực tập viên tiềm năng. Biết rằng đây là cơ duyên và tôi đã tự xác định mình phải nỗ lực để nắm lấy cơ hội ấy.
Tháng 3/2015, tôi chính thức được phân về thực tập tại PGD trực thuộc chi nhánh Quảng Trị - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Trong thời gian ấy, tôi học hỏi được nhiều điều và cũng cố gắng thật nhiều. Sau 3 tháng thực tập, vượt qua nhiều ứng viên khác, tôi được tuyển dụng chính thức và gia nhập vào ngôi nhà chung Sacombank. Không chỉ bản thân mình cảm thấy rất vui, mà tôi còn nhớ rõ nụ cười hạnh phúc trên đôi môi của Mẹ, niềm tự hào trong ánh mắt Ba khi biết tin tôi được vào chính thức. Mọi thứ như là một giấc mơ vậy – giấc mơ có thật. Và thế là nghề ngân hàng với tôi chính thức bắt đầu.
Tôi nhận việc tại PGD Hướng Hóa – một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Trị và cũng khá xa nhà. Công việc ban đầu của tôi là nghiên cứu chính sách tín dụng, quy trình lõi cấp tín dụng, sản phẩm, nghiệp vụ ngân hàng,…Tuần tiếp theo, tôi được giao chỉ tiêu huy động, cho vay, thẻ,… Với một người mới, một địa bàn mới, những chỉ tiêu đó chỉ khiến cho tôi một cảm giác rất mơ hồ.
Bắt tay vào việc, tôi chỉ biết cầm một tập thư ngỏ trên đó in tất cả các gói cho vay ưu đãi, các gói gửi tiết kiệm lãi suất cao, các ưu đãi về thẻ,… và rong ruổi khắp các con đường thị trấn, thôn xã lân cận và “gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”. Các bạn có biết kết quả sau 2 tháng đó tôi nhận được là như thế nào không? Đó là… “không một cuộc gọi”, “không một tin nhắn”, “không một email” phản hồi nhu cầu của khách hàng!
Lúc bấy giờ thật sự tôi bắt đầu cảm thấy chán nản, cộng thêm người anh được phân công hướng dẫn tôi (sau này tôi cứ quen gọi là Thầy) có giao cho một vài bộ hồ sơ để tập làm quen với trình tự cấp tín dụng cũng như cách sắp xếp chúng nhưng kết quả nhận được từ anh cũng là những cái lắc đầu không mấy hài lòng. Đúng lúc khó khăn nhất lại là lúc Ban lãnh đạo đang đợi chờ bảng báo cáo thành tích xếp loại nhân viên, áp lực trong tôi ngày càng lớn.
Tôi còn nhớ như in những ngày tháng ấy, tôi luôn phải đi làm về muộn, chỉ tiêu thì được vài ba cái thẻ, nhiều lúc tự dằn vặt mình rằng liệu có tương xứng mới mức lương mình nhận được hay không? Có lúc gọi điện thoại về gia đình tâm sự rằng con muốn bỏ cuộc thật sự, dẫu tôi hiểu trong thâm tâm Ba Mẹ thực sự rất buồn. Ba mẹ tôi đáp lại chẳng biết làm sao, cũng chỉ biết động viên tinh thần. Con đường phía trước của tôi khi ấy lại thêm một màu tối.
Quá khó khăn, tôi quyết định nói chuyện với Thầy về những cảm nhận cũng như những khó khăn mà mình gặp phải. Anh đã chia sẻ với tôi rất nhiều, rằng tất cả “Vạn sự khởi đầu nan”, không có con đường nào trải đầy hoa hồng đâu, mọi cố gắng đều được đền đáp cả… Sau cuộc nói chuyện đó tôi như được refresh tinh thần, và tiếp tục gửi những thư ngỏ đến khách hàng, rồi tiếp tục rong ruổi. Một lần, tôi quyết định tìm đi đến một thị trấn khá xa so với PGD của mình, khi biết rằng địa bàn này chưa từng được khai thác, tôi dành hết thời gian cả ngày làm việc của mình để chinh chiến với địa bàn. Lúc đầu người dân vẫn e ngại, nhưng có lẽ bởi sự tư vấn nhiệt tình, cũng như thái độ của tôi và các anh em đối với khách hàng khác hẳn ngân hàng khác ở đây, thế là tôi đã bắt đầu có được một list khách hàng có nhu cầu. Chỉ với bấy nhiêu thôi đã làm tôi mừng lắm rồi, tôi ghi chú tỉ mỉ từng thông tin của khách hàng, tư vấn cụ thể và tiến hành thẩm định, thu thập hồ sơ khách hàng, trình hồ sơ với Ban lãnh đạo.
Tôi cũng không thể quên những ngày tháng ấy, vất vả thật, với cái nắng chói chang của mùa hè, suốt cả ngày lang thang các nẻo đường, các cơ quan đơn vị ở thị trấn nhỏ miền núi ấy, bữa trưa ăn tạm qua loa và nghỉ ngơi ở một quán cà phê ven đường, đợi chiều vào giờ làm việc tiếp tục cuộc chiến của mình, tối đến tôi cố gắng thiết lập hồ sơ nhanh nhất để khách hàng được giải ngân. Với sự cố gắng đó, tôi bắt đầu nhận được sự đánh giá tích cực từ cán bộ quản lý, từ phía khách hàng… Tôi vui lắm!
Bất ngờ chưa dừng tại đó, những thư ngỏ trước đây tôi đã gửi đi mà chưa từng có hồi âm, thì giờ khách hàng lại liên hệ khi phát sinh nhu cầu. Thế là tôi đến nhà tư vấn và thẩm định. Tôi nhớ có lần đến một nhà khách hàng, thật hạnh phúc khi thấy tấm thư ngỏ ấy được họ đặt ngay ngắn ở dưới tấm kính trải trên bàn phòng khách. Cảm giác lúc này thật sự khó tả.
Thời gian 2 năm, tôi biết nó chẳng là gì so với những anh chị trong nghề nhưng với tôi đó là quãng thời gian học hỏi được nhiều thứ, tiếp xúc với nhiều hệ khách hàng khác nhau, cũng đã từng có những sai sót, nhưng sau tất cả những tháng ngày ấy cho tôi thêm một bài học mới để sống với nghề dù biết chặng đường dài phía trước còn nhiều lắm chông gai.
Trong thời đại khi mà sản phẩm dịch vụ các ngân hàng là tương đồng, khách hàng có nhiều sự lựa chọn và đặc biệt họ ngày càng am hiểu sản phẩm dịch vụ ngân hàng thì chính mỗi chuyên viên khách hàng như tôi nói riêng và nhân viên ngân hàng nói chung chính là sự khác biệt, là một đại sứ thương hiệu để đưa khách hàng về giao dịch với ngân hàng mình. Với phương châm luôn “Tin vào chính mình, tin vào sản phẩm mình bán...cứ giữ vẹn niềm tin để làm nên những điều kỳ diệu”, tôi vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày và tin rằng chẳng khó khăn nào có thể cản bước tôi đi trên con đường chinh phục vinh quang trong nghề ngân hàng.
Theo Trí thức trẻ