Hãy là một salesman chứ đừng là một messenger boy!
Hãy là một salesman chứ đừng là messenger boy!
Đó là câu nói mà một người thân của tôi, khi đó là một Giám đốc Chi nhánh của Ngân hàng Phương Nam đã nói với tôi khi tôi chập chững vào ĐH Kinh tế TP HCM. Không chỉ là câu nói của một người thân, một đàn anh mà còn là của một người lãnh đạo. Và cho đến bây giờ, khi đã là một chuyên viên khách hàng (CVKH) của Sacombank, lời nói đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Từ khi còn là sinh viên, tôi đã có cơ hội được làm các công việc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng như làm cộng tác viên phát hành thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… từ đó hình thành trong tôi những ý niệm đầu tiên về công việc của một CVKH – đó là sale. Học xong ĐH, tôi trở thành nhân viên kinh doanh của BIC - một công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc hàng top của Việt Nam. Quá trình học và làm việc ngành bảo hiểm đã cho tôi những điều cực kỳ quan trọng về sale và về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, bản thân tôi không phải là một nhân viên sale tốt, vì tuổi nghề quá trẻ, non kinh nghiệm và chính xác, tôi chỉ là một Messenger boy.
Sau đó, khi chuyển sang lĩnh vực ngân hàng, tôi làm vị trí CVKH cá nhân, chuyên bán các sản phẩm cho cá nhân. Khi ấy, tôi mới dần nhận ra thế nào là một Salesman đúng nghĩa. Một người sale tốt không chỉ bán sản phẩm, người ấy bán cả một gói sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Và hơn thế, họ còn có thể là một chuyên gia tư vấn tài chính cho chính khách hàng đó, điều đó làm CVKH trở thành một Salesman thực thụ. Ngược lại, Messenger boy chỉ đơn giản đem đến cho khách hàng những thông tin về sản phẩm.
Làm ngân hàng mà nói không có áp lực là không đúng, dù hàng ngày bạn có đi làm với cảm xúc hăng say hay đam mê mãnh liệt thì cũng có những ngày căng như dây đàn để hoàn thành chỉ tiêu huy động, cho vay hay các chương trình định hướng. Nhưng chỉ tiêu càng nhiều, áp lực càng lớn, tôi lại nhớ đến câu nói “Hãy là một Salesman chứ đừng là một Messenger boy”. Phải, chỉ một câu là đủ nói lên tất cả của công việc của một CVKH, đủ làm tôi phải đặt câu hỏi “Salesman sẽ làm gì khi đứng trước áp lực doanh số này?”
Nói chữ Salesman thì rất đơn giản, nhưng với tôi, trở thành một Salesman đó là cả một quá trình tự rèn luyện để thoát khỏi hình bóng của một Messenger boy. Mỗi một ngày tiếp xúc với khách hàng là tôi nhận ra rằng mình còn phải cải thiện nhiều hơn những kỹ năng bản thân, những thứ mà Salesman chỉ có thể học được qua sai lầm và thiếu sót. Ngân hàng của tôi chưa phải là một ngân hàng thuộc dạng khủng, nhưng ở đó, tôi đã học đươc rất nhiều điều để trở thành một Salesman thực thụ. Và tôi cảm ơn về điều ấy.
Từ một CVKH cá nhân, nhờ luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, tôi được cất nhắc và đề đạt để trở thành một CVKH doanh nghiệp. Thử thách mới lại đến với tôi. Nếu như một CVKH cá nhân bán một gói sản phẩm cá nhân sẽ đơn giản hơn là tư vấn tài chính cho một doanh nghiệp. Và từ đây, tôi lại tự hỏi mình: “Tôi sẽ đóng gói sản phẩm tài chính nào cho khách hàng?”
Salesman rất cực, vì nếu như Messenger boy chỉ cung cấp thông tin và chờ nhận phản hồi từ khách hàng thì Salesman không chỉ phải đóng gói cho khách hàng một gói sản phẩm tài chính – bảo hiểm phù hợp nhất với họ mà còn phải là một người có chuyên môn về tài chính để tư vấn cho khách hàng vấn đề tài chính mà khách hàng đang gặp phải. Nhưng là một Salesman lĩnh vực tài chính - ngân hàng, điều cuối cùng bạn nhận lại ngoài doanh số là sự hài lòng và niềm vui của khách hàng.
Với tôi, trở thành một Salesman thật tuyệt!
Theo Trí thức trẻ