Kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước là động lực để tôi gắn bó với nghề ngân hàng

Sinh ra trong một gia đình nhà nông, ở một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp chẳng mấy ai nghĩ một cô gái con nông dân lại chọn ngành tài chính – ngân hàng mà đi thi Đại học cả. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao mày lại chọn ngành này để học? “Liệu nhà mày có đủ tiền lo cho mày đi học không?” hay “ Nhà mày có quen biết ai không mà đòi học ngành này?” rồi “Con gái lo cho đi học chi nhiều rồi về lấy chồng? Học cái ngành này không có hoàng thân thì méo mà đi làm được nha con”…… cuối cùng tôi vẫn chọn ngành ngân hàng.

Trong giây phút đó tôi chỉ nghĩ chỉ có đi theo một hướng mới thì tôi mới có thể giúp gia đình cải thiện cuộc sống, người khác sẽ nhìn gia đình tôi với ánh mắt khác hơn.

Nhưng rồi cái năm mà tôi ra trường lại rơi vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, cái ngành ngân hàng lại thừa nguồn nhân lực, số lượng hồ sơ xin việc nộp vào ngân hàng lên tới hàng chục, hàng trăm và chỉ tuyển 1 đến 2 nhân sự. Từ đó, ngân hàng lựa chọn nhân sự ngày càng khắt khe hơn, một sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, không mối quan hệ chỉ cầm trên tay mỗi tấm bằng tốt nghiệp đại học với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ thì khó có thể đáp ứng đủ các nhu cầu của nhà tuyển dụng. Không nản chí, tôi quyết định gửi hồ sơ vào những nơi mà tôi nghĩ tôi có thể đáp ứng được công việc. Cuối cùng cũng có một Bank gọi tôi nhận việc, có thể nói đó là niềm vui của một đứa sinh viên mới ra trường và một đứa khao khát việc làm như tôi.

Tôi háo hức vì có được công việc đúng chuyên ngành của mình, đúng nguyện vọng của mình. Tôi chuẩn bị quần áo, tìm hiểu môi trường làm việc công sở, tìm hiểu công việc sắp tới của mình như thế nào.

Và tôi hăng hái bắt đầu 1 công việc dù có cảm giác nó khác xa so với những gì mình đã học. Tôi quan sát mọi người làm việc, ghi lại những lưu ý, cố gắng đọc văn bản, quy định...dần dần tôi cũng có cảm thấy mình đã nắm được cách làm việc ở một Bank là như thế nào. Thế nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc trong cơ quan. Tôi còn phải ra ngoài, vì vị trí của tôi là quan hệ khách hàng mà, tôi phải ra ngoài gặp khách hàng, đi thẩm định. Những lần đầu đi thẩm định với sếp, với anh/chị đồng nghiệp tôi chỉ im lặng ngồi nghe các anh/chị trao đổi với khách hàng, từ đó tôi cũng hiểu được cách thẩm định của những người đi trước, tôi tập tành làm hồ sơ với sự hướng dẫn của anh đồng nghiệp cũ, từ định giá đến lên tờ trình trình cấp phê duyệt đến soạn các hợp đồng, văn bản liên quan kí kết với khách hàng rồi các công đoạn hạch toán giải ngân, luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận, lưu hồ sơ. Tôi cảm thấy rất vui sướng khi hoàn thành được tất cả công việc đó, và cảm thấy yêu công việc của mình.

Thế nhưng, công việc của tôi không mãi lặng im như vậy, cũng như biển có lúc lặng im cũng có lúc đầy sóng gió. Có một ngày, có một vị khách hàng khó tính đến ngân hàng khiếu nại, tôi không biết nguyên nhân là gì vì không phải là khách hàng của mình quản lý và cũng là người mới và chưa từng thấy xảy ra trường hợp như thế này. Tôi im lặng quan sát đồng nghiệp xử lý với vị khách hàng khó tính đó, vì biết đâu tương lai tôi cũng phải xử lý các tình huống tương tự như vậy. Khi vị khách hàng về, tôi lân la lại hỏi đồng nghiệp nguyên nhân xảy ra vụ việc, thì đồng nghiệp chỉ nói “Cái nghề này là vậy đó em – dâu trăm họ mà, khi nhận nợ thì họ vui vẻ, khi trả nợ thì họ hay cằn nhằn, bảo lãi suất cao này nọ, nhắc nợ họ cũng nói…nói chung nhiều lắm em ơi, từ từ rồi em thấy”…Tôi cũng lạnh người.

Thế rồi trong suốt quá trình công tác tôi đã trải qua biết bao nhiêu chuyện, chiến đấu với chỉ tiêu, với khách hàng, chiến đấu với các bộ hồ sơ trình phê duyệt, với những va chạm nội bộ, những bất đồng quan điểm rồi đến luân chuyển nội bộ…có nhiều lúc tôi cảm thấy cái ngành này thật sự “bạc” và nó đào thải nhân sự một cách khủng khiếp nếu ta không phát triển. Có nhiều người ví Ngân hàng như một cái “Toilet” người ngoài thì muốn vào, còn ở trong thì họ chỉ muốn đi ra thôi. Và có lẽ chỉ có dân banker mới hiểu hết ý nghĩa của cái ví von này.

Cũng có thời gian tôi thực sự muốn từ bỏ nghề vì áp lực công việc. Hằng ngày tôi phải đối diện với bao nhiêu chỉ tiêu, môi trường làm việc, cách gì để tìm khách hàng, làm sao cho họ giao dịch với mình, áp lực với khách hàng, rằng liệu khách hàng này có tốt không?.....Cũng có thời gian tôi thật sự căng thẳng, phải nói là stress kinh khủng vì phải đối mặt với nhiều thứ như vậy, đôi lúc tôi có suy nghĩ rằng nếu mình làm việc ở một công ty bình thường có thể còn tốt hơn. Nhưng rồi tôi lại nhìn lại quãng thời gian mà tôi cố gắng để vào được ngành này, nhớ lại khoảng thời gian vui sướng khi trình ra một bộ hồ sơ, rồi tôi lại có thêm một mối quan hệ xã hội khi hoàn thành bộ hồ sơ đó, nhìn lại các kinh nghiệm mà các anh chị đi trước đã chân thành chia sẻ từ khi tôi mới bước chân vào ngành này đến nay…những điều này làm tôi lại có thêm động lực để cố gắng và gắng bó với nghề.

null

Tôi luôn tâm niệm những chia sẻ của các anh chị đi trước.

“Anh ơi làm thế nào mà mình có thể để khách hàng nói hết nhu cầu của họ với mình vậy anh?” – “Cái này nó là kinh nghiệm em ạ, nhưng miễn em nhiệt tình với hồ sơ của họ, đối xử chân thành với họ như một người bạn thì họ sẽ chia sẻ nhiệt tình với em thôi, rồi cho dù em có đi đâu thì họ vẫn gọi em đầu tiên, đừng coi như họ là khách của ngân hàng mà hãy chăm sóc họ như là khách hàng của bản thân em”.

 

“Khi bán hàng không phải em chỉ bán cái em có, vì cái em có thì có thể ngân hàng nào cũng có, em sẽ mãi mãi không có được khách hàng của riêng em. Nhưng nếu em thật sự biết được nhu cầu của khách hàng, em sử dụng những sản phẩm phù hợp và tư vấn đúng nhu cầu của họ thì họ sẽ là khách hàng của em. Đừng cố gắng bán, hãy giúp khách hàng mua em à”.

“Hồ sơ họ cung cấp mình thế này làm sao mình chắc được là doanh thu của họ đúng như lời họ nói vậy anh?” – “Khi em làm hồ sơ cho vay thì em thẩm định nhiều khía cạnh và cái quan trọng nhất mà em nên để ý kỹ là sao kê dòng tiền của họ, nhìn vào dòng tiền của họ em có thể nắm được tình hình kinh doanh của họ trong thời gian qua, rồi kết hợp với quá trình thẩm định và những chứng từ khác em sẽ biết được doanh thu của họ thực sự nằm ở mức nào, nó không tuyệt đối nhưng ít ra nó cũng giúp em đánh giá được khách hàng”...

Có lẽ đó là những lời chia sẻ chân tình nhất của những người đi trước đã cho tôi có một cái nhìn tích cực về ngành ngân hàng. Tôi sẽ luôn giữ những lời chia sẻ đó và luôn mang theo bên mình xem nó là một hành trang cùng tôi đi suốt chặng đường sau này.

Và đến bây giờ, tôi đã có có vài năm thâm niên trong nghề và tất nhiên…tôi vẫn còn yêu nghề lắm! Vâng, Tôi là một Banker.

 Trương Thị Ngọc Trinh - LienVietPostBank Đồng Tháp

Theo Trí thức trẻ

0