'Ký sự nghề" của cô giao dịch viên ngân hàng

Thứ 6 – ngày làm việc cuối cùng trong tuần, tôi rời khỏi cơ quan khi những tia nắng cuối ngày đã tắt và thành phố đã lên đèn… Khung cảnh quá đỗi quen thuộc đối với những người làm văn phòng như tôi.

Về đến nhà, chân tay rệu rã, cô cháu gái nhỏ chạy đến ôm chầm: “Cô, cô về rồi, cô có mua quà cho con không?”. Nghe giọng nói trong trẻo, ngây thơ của cô nhóc, mọi vất vả, mệt nhọc trong ngày dường như tan biến. Ăn tối xong, lướt web, facebook một hồi, tôi lại về phòng, ngồi vào bàn làm việc và suy nghĩ về cuộc sống, về tương lai…

Là một cô gái nhạy cảm, sống nội tâm, tôi có sở thích và thói quen viết nhật ký. Nếu nói là sở thích cũng không đúng, mà viết Nhật ký chính là cách mà tôi lưu giữ những khoảnh khắc, những câu chuyện đã qua, những cảm xúc ở hiện tại và cũng là cách để tôi chia sẽ những niềm vui, nỗi buồn, để tự an ủi, động viên bản thân cố gắng nhiều hơn. Lôi cuốn sổ Nhật ký đã gắn bó với tôi từ năm nhất đại học, trang bìa còn in lời bài hát “Cây đàn sinh viên”. Mới tốt nghiệp đó thôi mà tôi đã đi làm được 4 năm rồi- thời gian trôi qua nhanh thật.

Lần dở từng trang viết, tôi vô tình dở đến trang “Ký sự Nghề ngân hàng” – Cái nghề mà đứa sinh viên kinh tế là tôi vừa tốt nghiệp và đã ấp ủ giấc mơ từ lâu. Tôi gọi là “ký sự” bởi nó ghi chép lại hành trình dài của Tôi – từ một tân cử Cử nhân Kinh tế cầm tấm bằng trên tay đến “gõ cửa” các công ty, doanh nghiệp để nộp đơn xin việc, rồi vượt qua nhiều vòng thi viết và phỏng vấn, đã được nhiều nơi gọi đi làm nhưng có lẽ duyên số đã đưa tôi đến với ngân hàng – Ngã rẽ đầu tiên trong sự nghiệp của tôi.

“Ký sự nghề Ngân hàng” bắt đầu bằng trang nhật ký của ngày đầu tiên đi nhận việc:

null

Ngày 05/09/2013: Hôm nay là ngày tựu trường, ngày mà phụ huynh đưa con em mình đến trường để bắt đầu một năm học mới, cũng là cái ngày mà tôi đến BIDV Đông Sài Gòn nhận việc, có khác là không có phụ huynh nào đi với mình cả. Ừm, mình lớn rồi mà… tôi cười tự nhủ.

Một mình chạy xe từ Phú Nhuận sang Thủ Đức để nhận việc, cảm giác thật vui sướng và tự hào khi mình đã vượt qua biết bao vòng loại, biết bao đối thủ nặng ký để được trúng tuyển. Chặng đường đầu tiên đến cơ quan, nó giống như hành trình tôi tự bước đi trên chính đôi chân của mình, không còn sự hậu thuẫn từ cha mẹ, tôi đã chính thức có việc làm, và sẽ tự mình làm ra những đồng tiền từ sức trẻ, trí tuệ, từ những giọt mồ hôi và sức lao động chân chính của bản thân. Nghĩ tới đây thôi mà tôi vui quá.

Ngày đầu tiên nhận việc tôi được Ban Giám đốc Chi nhánh phân công nhiệm vụ tại Phòng Giao dịch Khách hàng cá nhân. Nhìn các chị trong bộ đồng phục được là ủi trơn tru, đầu tóc bới cao gọn gàng, và đặc biệt nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi, vui vẻ giao dịch với khách hàng, tôi có cảm giác yêu cái nghề Giao dịch viên biết bao, động lực để tôi cố gắng học việc thật chăm chỉ để trở thành một Giao dịch viên giỏi.

Ngày 05/11/2013: Được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình từ các anh chị, hai tháng thử việc của tôi đã trôi qua thật nhanh, những quy trình, nghiệp vụ tôi cũng đã nắm khá rõ. Hôm nay, ngày đầu tiên tôi trở thành nhân viên chính thức, được khoác lên mình bộ đồng phục, được chính thức ngồi vào quầy để giao, được đếm tiền. Quan trọng hơn hết tôi được trực tiếp giao dịch với Khách hàng, tiếp nhận, lắng nghe nhu cầu của khách hàng và thực hiện tác nghiệp với sự chính xác, nhanh nhạy.

Hôm nay, trong lúc mở sổ tiết kiệm cho một đôi vợ chồng trẻ, là công nhân trong một Khu chế xuất gần Chi nhánh. Sổ tiết kiệm 12 tháng, với số tiền hai vợ chồng tích cóp được chỉ 10 triệu đồng. Nhưng trong đôi mắt họ là biết bao tương lai, dự định còn đang ở phía trước…. họ chẳng dự định mua nhà lầu, xe hơi mà đơn giản chỉ là tiền dành dụm, tiền tiết kiệm cho đứa con bé bỏng đang ở ngoài quê cùng bà ngoại. Đôi vợ chồng trẻ, quê Nghệ An đã rời xa mảnh đất miền Trung nắng gió, khô cằn để vào miền Nam lập nghiệp. Hàng tháng, họ lại ra Ngân hàng, trích từ đồng lương ít ỏi để gửi tiền về quê nuôi mẹ già, con nhỏ. Mảnh đất miền Trung khô cằn thiệt đấy, nghèo thiệt đấy nhưng người miền Trung thì giàu ý chí, giàu tình cảm và nghị lực biết bao. Chỉ nghĩ đến tình cảm người cha, người mẹ trẻ này dành cho đứa con thơ, cho người mẹ già … khóe mắt tôi lại cay cay”.

Lần dở những trang Nhật ký tiếp theo….mỗi trang nhật ký là những dòng ghi chép về những kỷ niệm, những niềm vui xen lẫn những nỗi buồn và cũng là những kinh nghiệm, bài học quý giá mà tôi học được ở ngân hàng.

Ngày 17/08/2015: Hôm nay, thay vì ngồi tại quầy giao dịch, tôi có mặt tại một Trường Đại học trên địa bàn đễ hỗ trợ thu học phí cho Nhà trường. Tôi vui lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi được đi thu học phí. Ngày còn là sinh viên, khi đi nộp học phí, được ngắm nhìn các chị Giao dịch viên trong bộ đồng phục Ngân hàng, tóc bới cao, ăn nói nhã nhặn, lịch thiệp, tôi đã thích và ngưỡng mộ biết bao nhiêu. Và hôm nay, thật vui khi tôi được ngồi ở vị trí của các chị để đón tiếp các bậc Phụ huynh và các em Tân sinh viên.

Có mặt tại trường đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để đếm và thu tiền, khi nhà trường phát danh sách, tôi dõng dạc kêu tên các em Sinh viên đến quầy để thu học phí. Nhìn gương mặt ngây thơ, đôi mắt trong trẻo của các em, tôi nhìn thấy hình ảnh của mình 2 năm về trước. Đi cùng các em là các bậc Phụ huynh: là Cha, là Mẹ, là các anh chị. Gọi tên các em, nhận tiền học phí từ tay của phụ huynh các em, trái ngược với đôi mắt ngây thơ, trong trẻo của của con trẻ, là đôi mắt đã hằn vết chân chim của các cô, các bác, là đôi tay đen sạm, khô ráp và chai sần của các bậc phụ huynh.

“Dạ, con nhận đủ của Bác hai triệu đồng ạ” - Tôi nhận tiền từ một Bác nông dân, nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì phải bắt xe đò từ Quảng Ngãi vào và phải xếp hàng dài chờ đợi vì sinh viên nhập học quá đông, tôi thấy thương Bác thật nhiều. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh của Ba mình – cũng vào ngày nhập học, với tấm giấy báo đậu Đại học trên tay, tôi và ba đã bắt xe khách từ Đăk Lăk vào thành phố. Xuống bến xe miền Đông, hai ba con còn phải bắt thêm một chuyến xe ôm để tới trường làm thủ tục nhập học. Lần đầu tiên hai ba con vào Sài Gòn, đường phố đông đúc khác hẳn ở quê, nên việc di chuyển sang đường rất khó khăn. Xe cộ chạy nườm nượp, đông đúc, nhìn thấy sợ lắm. Tôi còn nhớ vẻ mặt lo lắng của Ba mỗi khi qua đường, nhưng lúc nào Ba cũng đưa tay về phía trước tôi, để bảo vệ tôi, ba sợ xe quẹt vào con gái ba. Với ba, tôi lúc nào cũng là đứa con gái bé bỏng, cũng cần sự chở che của ba mẹ, gia đình… Thấy nhớ và thương Ba thật nhiều!

 

Thu đủ số tiền học phí từ Bác phụ huynh, cầm trên tay những đồng tiền của Bác, chỉ 2 triệu đồng thôi nhưng sao tay tôi thấy nặng trĩu….nó là tiền mồ hôi nước mắt, là công sức mà các bậc phụ huynh vất vả làm ra, để đóng học phí cho con, với mong mỏi, hy vọng con em thành tài, có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Nghĩ đến đây tôi thấy nhớ ba mẹ mình vô cùng. Tôi muốn gọi điện ngay về cho ba mẹ để nói lời cảm ơn đến ba mẹ, những người đã sinh ra, nuôi nấng và cho tôi học thành tài – Con yêu ba mẹ nhiều lắm!”

Khép lại ngày thứ 6, tôi khẽ đặt bút viết lên những dòng “ký sự” tiếp theo về cái nghề mà tôi đã lựa chọn, dòng suy nghĩ của cái tôi hôm nay so với 4 năm về trước đã chín chắn và trưởng thành hơn nhiều …

“Ngày 01/09/2017: Nhiều người nói rằng, Giao dịch viên Ngân hàng là một công việc nhàm chán, ít cơ hội mở rộng các mối quan hệ, vì cả ngày chỉ có ngồi quầy đếm tiền, cũng chẳng có nhiều cơ may thăng tiến, đã vậy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro: thu thiếu tiền, chi thừa tiền, thu phải tiền giả hay giả mạo chữ ký, giả mạo hồ sơ, giấy tờ… chưa kể đến những lần gặp khách hàng khó, bị la mắng, nạt nộ đến tủi thân...

Nhưng với tôi, Giao dịch viên Ngân hàng – cái nghề cực đấy, vất vả, nhiều chông gai, nhiều rủi ro và cạm bẫy đấy, nhưng nó đã tôi luyện cho tôi nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp để tự tin và bản lĩnh hơn. Điều quan trọng hơn cả là mỗi ngày, tôi được làm công việc mình yêu thích với cái tâm trong sáng, được gặp gỡ khách hàng, lắng nghe những câu chuyện của khách hàng, chia sẽ tâm tư, hy vọng họ gửi gắm vào những quyển sổ tiết kiệm tích lũy cho tương lai; nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc của khách hàng khi nhận được những khoản tiền vay, là bao khao khát mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh với mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn… Hình ảnh đôi mắt trong trẻo của các bạn Tân sinh viên; ánh mắt tràn đầy yêu thương, hy vọng của các bậc phụ huynh ngày nhập học; niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của đôi vợ chồng công nhân phải xa con để vào Nam lập nghiệp … tôi thầm cảm ơn các cô,các bác, các anh chị và các em – khách hàng của BIDV, chính khách hàng đã mang lại cho tôi những bài học quý giá, những kỹ năng sống để tôi vững tin bước vào đời, thêm yêu và trân quý cuộc sống này”.

Phạm Thị Hải Yến - BIDV chi nhánh Đông Sài Gòn

Theo Trí thức trẻ

0