Nếu bạn yêu ngành ngân hàng, đừng ngại bắt đầu với việc bị sai vặt
Gốc tôi là người Nam Định nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Cuộc sống miền tây lam lũ vất vả giúp tôi cố gắng phấn đấu học hành và có ý chí hơn để kiếm được cái nghề đoàng hoàng, ổn định. Nghe người lớn nói: làm ngân hàng sướng lắm, lương cao, làm giờ hành chính rồi đợi tới tháng lãnh lương...Chỉ thế thôi đối với tôi cũng đủ thích lắm rồi. Lương cao có thể lo cho em trai học hành, làm việc trong phòng máy lạnh mát mẻ.
Ấp ủ giấc mộng sau bao cố gắng, tôi thi đậu vào trường Đại học Kinh tế, khăn gói vác ba lô lên vai, một mình thân chinh lên Sài Gòn. Đất khách quê người không một người thân, những khó khăn, bỡ ngỡ của năm tháng đầu tại đất Sài Gòn thật sự không dễ tí nào, bị rủ rê tham gia bán hàng đa cấp, rồi những hôm làm thêm vất vả cứ thế trôi qua.
Năm cuối cũng đến, tôi nộp đơn xin đi thực tập ở một ngân hàng cổ phần. Sau khi trải qua các vòng kiểm tra, phỏng vấn, tôi được nhận vào thực tập vị trí chuyên viên tư vấn tại một phòng giao dịch. Suốt đêm trằn trọc không ngủ được để chờ đến sáng đi nhận việc, bao nhiêu tưởng tượng, nghĩ suy, hi vọng và hân hoan cứ thế chìm vào giấc ngủ.
Nhưng ôi thôi, sau vài ngày thực tập tôi mới bắt đầu vỡ mộng, những tưởng tượng về công việc của tôi dần biến mất, bao nhiêu nhiệt huyết đã không còn, tôi chỉ chìm đắm trong đống tài liệu phải mang đi copy rồi scan. Sự nhiệt huyết và đam mê của một sinh viên đối với ngành ngân hàng tưởng chừng như vụt tắt tại đây. Môi trường mới với giờ giấc nghiêm ngặt, không còn được ngủ nướng tới trưa như thời sinh viên. Sáng thì phải thức sớm để đến cơ quan, nghỉ trưa chỉ kịp nhắm mắt 30 phút là phải vực dậy tiếp tục làm việc. Lại thêm bị sai vặt vì là người mới, các anh chị cũng chẳng thèm đoái hoài đến, cứ thế giao việc, giao chứng từ, tài liệu.
Người ta bảo 5 giờ là ngân hàng nghỉ làm việc, đóng cửa rồi. Nhưng thực ra chỉ đóng cửa thôi, việc thì vẫn còn nhiều lắm, tôi mệt nhoài sau những giờ làm. Chạy ra chạy vào photo rồi lưu chứng từ, tìm sổ sách, một vòng luẩn quẩn đến hết ngày thì cũng 7 giờ, có khi 7 giờ hơn mới về tới nhà.
Một tuần rồi hai tuần, chán nản ngày càng nhiều. Nằm một mình trong phòng tôi lại suy nghĩ về tương lai của mình: Vậy là mình học đại học ra để làm những việc lặt vặt như thế này ư? Hay là cố gắng thực tập cho xong? Hay là thôi, mình bỏ nghề này đi thì hơn?... Những suy nghĩ ấy cứ quẩn quanh, lảng vảng trong đầu tôi. Rồi tôi lại nghĩ, hay do mình cứ im im, không chịu lên tiếng hỏi han, không nhanh nhẹn để anh chị giao cho những việc quan trọng hơn?
Tôi quyết định ngày mai sẽ cố gắng thử làm khác đi và thay đổi thái độ để xem có gì tiến triển không. Thế là tôi tranh thủ lúc đứng phô tô để xem những tài liệu đó là gì, rồi hỏi anh chị các quy trình, quy chế để ghi chép lại, vui vẻ nhận các việc mọi người giao, hỏi han đùa giỡn với đồng nghiệp khi vắng khách. Và tôi thấy rằng, thật ra các anh chị đều vui vẻ lại với tôi khi tôi chào hỏi, chỉ cho tôi những nghiệp vụ, thao tác trên máy tính và giải thích những thắc mắc liên quan đến ngân hàng mà tôi chưa hiểu. Quan sát anh chị tôi còn học được cách tương tác và tư vấn cho khách hàng.
Tôi mới vỡ lẽ ra rằng: À, thật ra là do mình thụ động quá, không chịu chủ động và nhiệt tình khi anh chị giao việc, không chịu tìm hiểu mà cứ chờ người ta chỉ cho mình. Một ngày bao nhiêu khách ra vào, nếu mình không tranh thủ, thì mọi người cũng không còn thời gian để giúp mình. Đừng mong học hỏi được bất cứ điều gì nếu mình còn tư tưởng “há miệng chờ sung”. Đôi khi tôi cũng bị mắng vì làm sai, tuy nhiên không vì thế mà chán nản.
Có một câu mà tôi đã đọc được “ Mọi người sẽ quên rất nhanh việc bạn làm nhưng họ sẽ nhớ rất lâu bạn đã làm tốt nó như thế nào”. Vì vậy thái độ nghiêm túc với công việc và làm tốt hết sức có thể rất quan trọng. Mọi người sẽ sẵn sàng chỉ dạy khi bạn là người chủ động và mong muốn học hỏi thực sự. Cơ hội chỉ đến với những người biết cố gắng chứ không bao giờ đến với người dễ dàng buông xuôi.
Ba tháng thực tập trôi qua, tôi học được khá nhiều kiến thức về ngân hàng, cách tương tác với khách hàng và giao tiếp với đồng nghiệp. Thêm một điều quan trọng là tôi thấy yêu nghề hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp xúc với nhiều vị khách hàng khác nhau, tư vấn cho họ những thắc mắc về sản phẩm của ngân hàng mình, giải quyết những yêu cầu khiếu nại và làm cho họ thấy tin tưởng vào dịch vụ mình cung cấp. Làm sao có thể đáp ứng được những mong muốn, đòi hỏi phức tạp hay nghe phàn nàn của vị khách khó tính, đó là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật lắng nghe và thấu hiểu khách hàng, nghệ thuật giao tiếp và kiên nhẫn, đôi khi còn có cả nghệ thuật nghe chửi nữa. Nhưng không sao vì “trải qua một việc là thêm một phần trí khôn”.
Và rồi, sau những cố gắng, tôi được ngân hàng giữ lại làm việc. Nhưng tôi đã từ chối vì muốn biết thêm nhiều nghiệp vụ cũng như kiến thức ở các vị trí khác. Khi có bằng tốt nghiệp, tôi quyết định nộp đơn xin vào vị trí trợ lý quản lý khách hàng doanh nghiệp ở một ngân hàng khác. Những gì tôi học hỏi được từ ngân hàng cũ cũng đã phát huy tác dụng. Tôi làm việc nhanh nhẹn, siêng năng học hỏi, vui vẻ hòa đồng với các anh chị đồng nghiệp, tương tác tốt với các khách hàng doanh nghiệp cao cấp và khó tính hơn. Và may mắn hơn nữa, là tôi được lòng sếp.
Bây giờ công việc cũng đã phần nào ổn định, nhưng tôi biết mình cần trau dồi rất nhiều để phát triển bản thân và phát triển nghề nghiệp. Vì làm nghề ngân hàng, không phải bạn cứ kiên trì, cố gằng không là đủ. Việc học hỏi không ngừng cùng với yêu nghề bằng cả cái tâm mới giúp bạn có thể đứng vững và đi lên. Dù tôi còn rất trẻ, cũng mới bước vào nghề không bao lâu. Tuy nhiên, với những gì đã chia sẻ, tôi tin đây là những điều thật nhất và cơ bản nhất mà các bạn sinh viên mới ra trường cần biết. Nếu bạn yêu ngành ngân hàng, đừng ngại bắt đầu với việc bị sai vặt. Vì phô tô chưa chắc là việc vặt và scan chưa chắc là nhàm chán. Khi bạn biết tận dụng những cơ hội đó để học hỏi thì chẳng có gì là vô ích cả.
Làm ngân hàng luôn có những thú vị và cũng luôn luôn có những khó khăn riêng của nó. Khổng Tử đã nói: “Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường”. Khi bạn đã thực sự yêu nghề thì dù thử thách có nhiều như thế nào, bạn vẫn sẽ đứng vững và vượt qua. Hãy làm việc với sự nghiêm túc và nỗ lực cùng cái tâm của mình, mọi khó khăn sẽ được hóa giải.
Nghề ngân hàng – Thử thách và Vinh quang, hãy luôn giữ vững đam mê nghề nghiệp của mình, bạn nhé!
Theo Trí thức trẻ