Nghề ngân hàng - cần làm bằng tâm và đức

Tôi là một kế toán phụ trách mảng ngân hàng của công ty. Ngày ngày tôi đi ngân hàng để giao dịch nhìn quang cảnh nhộn nhịp không khí làm việc sôi động, nhân viên ai ai cũng xinh đẹp rạng ngời vậy là tôi nung nấu ước mơ được vào ngân hàng. Tôi gửi đơn cho nhiều ngân hàng với hy vọng có một ngân hàng nào đó nhận vào và cuối cùng tôi cũng hoàn thành ước nguyện của mình.

Ngày đi thử việc đầu tiên tôi rất hồi hộp xen lẫn vui mừng. Tôi là một trong những người đến ngân hàng sớm nhất. Những bỡ ngỡ ban đầu cũng nhanh chóng qua đi khi tôi được các anh chị ở quầy giao dịch nhiệt tình hướng dẫn. Sự thân thiện của các anh chị làm tôi quên đi mình là người mới và giúp tôi hòa nhập vào ngôi nhà chung một cách nhanh chóng.

Hai tháng thử việc trôi qua rất nhanh tôi được phân công về đơn vị chuẩn bị thành lập tại Long An. Tất cả 20 người chúng tôi tất tả lo mọi việc cho ngày khai trương. Tuy vất vả nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp của chi nhánh.

Chúng tôi mỗi người mỗi việc theo sự phân công của giám đốc. Riêng tôi được phân công đi phát tờ rơi giới thiệu sản phẩm và ngày khai trương của ngân hàng. Chúng tôi đi đến từng con đường, gõ cửa từng nhà, giới thiệu từng người. Khi được khách hứa đến ngày gửi chúng tôi vui mừng như bắt được vàng nhưng cũng có người tưởng chúng tôi là tiếp thị nên nhất quyết không tiếp chúng tôi. Ngày khai trương khách đông hơn dự tính chúng tôi rất mệt nhưng vui. Tối hôm đó sếp khao chúng tôi một chầu chè hoành tráng để mừng sự khởi đầu thành công. Nghề giao dịch viên là nghề “ làm dâu trăm họ” khách hàng “chín người mười ý” nên chúng tôi phải biết ý khách mà chiều.

Một năm sau tôi được làm kiểm soát viên rồi trưởng phòng kế toán nhờ sự nổ lực, ham học hỏi và chịu thương chịu khó của tôi. Ở vị trí nào, vai trò nào tôi cũng đều làm tốt công việc được giao của mình. Vào thời điểm vàng son của ngân hàng 2006 – 2007 được làm nhân viên ngân hàng là niềm mơ ước của nhiều người nên gia đình nào có con làm ngân hàng đều rất tự hào với họ hàng và láng giềng. Thời gian đó khách hàng tìm đến ngân hàng, sale xe tìm đến ngân hàng.

Rồi thời kỳ huy hoàng đó nhanh chóng qua mau đến giai đoạn ngân hàng rơi vào khủng hoảng. Nhân viên ngân hàng phải đi tìm khách hàng, chăm sóc các sale xe. Khách hàng lúc này đúng là “ thượng đế”. Chỉ tiêu được giao cho từng nhân viên đến từng tháng rồi bán chéo sản phẩm, nhân viên ngân hàng bán luôn bảo hiểm các loại. Lương hưởng theo KPIs hàng tháng. Những bạn trẻ vào ngân hàng đã không trụ nổi phải chuyển sang lĩnh vực khác. Một số khác trụ nỗi thì lại có một số ít xảy ra tiêu cực với tâm lý “ ăn xổi ở thì” làm cho nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng.

 null

Là một lãnh đạo ngoài việc phải lo tăng trưởng để hoàn thành chỉ tiêu được giao tôi lại phải quan tâm đến tâm tư tình cảm của anh em. Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, quán triệt tư tưởng cho anh em, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của anh em. Vì làm ngân hàng nhất là tín dụng rất dễ bị cám dỗ nếu không giữ vững được lập trường. Điều đó không chỉ làm nguy hại cho ngân hàng mà còn chính bản thân và gia đình của các bạn, mà nguyên nhân cốt lõi là không vượt qua được cám dỗ vật chất. Chỉ vì chút tư lợi cá nhân các nhân viên ấy sẵn sàng bán rẻ lương tâm của mình để lấy những đồng tiền bất chính trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo.

Nghề tín dụng kiếm tiền không khó nhưng cái khó là làm sao không để đồng tiền sai khiến mình. Phải đem đồng vốn của ngân hàng hỗ trợ đúng người, đúng việc cho người dân, doanh nghiệp để phục vụ nâng cao đời sống và phát triển kinh tế xã hội.

Nhìn chung nghề ngân hàng vẫn là nghề được nhiều người mơ ước nhưng cũng là nghề lắm thử thách, chông gai nhất là trong giai đoạn hiện nay. Người làm ngân hàng phải có bản lĩnh vững vàng, tư tưởng ổn định thì mới gắn bó lâu với nghề và cống hiến cho xã hội.

Phan Thị Thúy Hằng

Theo Trí thức trẻ

0