Nghề ngân hàng: Đã chọn thì đừng hối tiếc, đã đi phải đến cuối con đường
Qua gần 9 năm công tác trong ngành, tôi thấu hiểu được ít nhiều những suy nghĩ của những người trong nghề “buôn tiền” này. Và trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn, với các anh chị về những băn khoăn về công tác nhân sự - nhân tố cốt lõi tạo nên giá trị cho mỗi ngân hàng.
Thứ nhất, phần lớn nhân viên ngân hàng đang mất dần “sức chiến đấu” sau một thời gian làm trong ngân hàng. Đó là thực tế mà tôi tin rằng các anh chị, các bạn đều cảm nhận được ở đồng nghiệp hay nhân viên của mình.
Ngày đầu tiên đặt chân vào ngân hàng, tôi nhận thấy ánh mắt rạng ngời của từng bạn. Nhưng dần dà nhiệt huyết của họ giảm dần, giảm dần... (đương nhiên ngoại trừ một số rất ít nhân tố rất tích cực).
Ngày trước, việc tuyển dụng của các ngân hàng hết sức khắt khe và đậu vào làm việc trong ngân hàng là niềm vinh dự lớn. Tháng 8/2008, tôi nộp đơn ứng tuyển vào ngân hàng, sau nhiều lần thi, phỏng vấn tiếng Việt và cả tiếng Anh, tôi mới được tiếp nhận vào làm nhân viên hành chính vào tháng 2/2009.
Cho nên, thế hệ của chúng tôi - những người bước vào ngân hàng bằng nhiều vòng thi tuyển sẽ thấu hiểu và trân trọng công việc hơn các bạn 9X sau này. Bởi vì hiện nay, các ngân hàng tuyển dụng thoáng hơn, việc đậu vào ngân hàng nhiều khi chỉ qua một lần phỏng vấn vài phút mà không cần phải thi tuyển!
Thậm chí có ngân hàng còn ưu tiên tuyển thẳng sinh viên loại giỏi. Cho nên sự trân quý công việc và giảm sức chiến đấu phần nào có nguyên nhân từ đây (?).
Sau những ngày học việc rất “ngoan”, siêng năng và chăm chỉ, sau một vài năm, khi đã có chút kinh nghiệm, nhiều bạn tự mãn hoặc bằng lòng với những gì mình đã có rồi thui chột, không cầu tiến. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo tôi chủ quan là do năng lực và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân, đan xen với nguyên nhân khách quan là người sau nhìn người trước và học theo những điều chưa tốt. Do đó, mỗi nhân viên ngân hàng cần có bản lĩnh, niềm đam mê nghề nghiệp để không tự đánh mất hình ảnh của mình.
Thứ hai, nhân viên ngân hàng thường có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Đang có công việc ổn định tại ngân hàng A, nhiều bạn vẫn ngắm nhìn lương, thưởng ngân hàng B, C,...rồi đâm ra chán nản, than vãn một cách tiêu cực.
Mà có nghịch lý thế này, nhân viên ngân hàng A thèm thuồng được làm việc ở ngân hàng B; trong khi nhân viên ngân hàng B lại hướng nhìn về ngân hàng C, nhân viên ngân hàng C lại mơ ước được làm việc ở ngân hàng A,... Cái vòng luẩn quẩn đó đã tạo nên những cuộc “di cư” rất nhiều trong ngành ngân hàng.
Thưa các bạn! Về cơ bản tất cả các ngân hàng ở Việt Nam đều vận hành trên một nền tảng chung về pháp lý và chính sách kinh tế vĩ mô. Do đó, dù bạn có là nhân viên ngân hàng A, ngân hàng B,...thì chung quy bạn vẫn phải làm những công việc và tuân thủ các quy định gần như là như nhau.
Vậy mà, khi gặp một chút khó khăn, một chút áp lực trong công việc, là một bộ phận không nhỏ người trong ngành lại dòm ngó một bến đỗ mới.
Tôi không bình luận đúng sai về những cuộc “chia tay” này. Mà tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn rằng mọi sự bắt đầu lại đều là bước lùi, ngoại trừ việc nhảy việc vì lý do khách quan hay vì hướng phát triển nghề nghiệp mới.
Thứ ba, nhân viên ngân hàng thường ngộ nhận về năng lực thật sự của bản thân. Rất nhiều bạn, sau một vài năm tích luỹ chút kinh nghiệm hoặc được phân công ở một vị trí không có người thay thế thì lại có tâm lý “bệnh ngôi sao”.
Và từ đây, “những ngôi sao” ngộ nhận này ngày càng tắt dần, chùn bước và lại dáo dác tìm kiếm một chân trời nào đó vô định.
Tôi muốn nói với các bạn rằng, nghề ngân hàng là nghề của sự gắn kết và phối hợp tập thể. Đương nhiên, tôi không phủ nhận vai trò của những cá nhân kiệt xuất có ảnh hương quan trọng đến kết quả kinh doanh của đơn vị.
Tuy nhiên, suy cho cùng với ngành ngân hàng thì “một cánh én không làm nên mùa xuân”; vì nơi đó phải cần sức mạnh tập thể.
Có thể bạn là cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp từ các trường danh giá. Nhưng trước khi tự đánh giá về mình, những người làm ngân hàng nên xem lại mình đã làm được gì cho cơ quan; hãy nhìn hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ đang vất vưởng làm công nhân tại các khu công nghiệp...
Và đó là thước đo chính xác nhất về giá trị của bạn tại đơn vị. Và tôi muốn nói với các bạn rằng, trong nghề ngân hàng, không vị trí nào là không thể thay thế.
Thứ tư, nhân viên ngân hàng thường than thở nhiều hơn là hành động và có suy nghĩ tích cực để vượt qua áp lực. Trên các diễn đàn, người ta vẫn ca thán về nỗi cực nhọc của nhân viên ngân hàng. Nhưng trên đời này có công việc nào mà nhẹ nhàng thưa các bạn?
Cũng như nhiều nhân viên ngân hàng khác, tôi cũng phải làm việc ngày 12 tiếng, thứ Bảy, Chủ Nhật, lễ Tết vẫn phải trực máy ATM,... Nhưng với tôi đó là nhiệm vụ để mình xứng đáng hơn khi nhận lương của ngân hàng.
Vì vậy, nếu bạn đã chọn nghề ngân hàng hoặc nghề ngân hàng đã chọn bạn thì bạn đừng nuối tiếc, đừng than thở mà hãy có suy nghĩ tích cực hơn cho công việc.
Thứ năm, dường như chính các cơ quan ngôn luận, mạng xã hội đang làm xấu đi hình ảnh những người làm nghề ngân hàng (?).
Trong hàng trăm ngàn người làm nghề ngân hàng, có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu tấm gương về tài năng và đức độ cua những người làm ngân hàng chân chính thì ít được đưa tin. Nhưng chỉ vài “con sâu” thì mạng xã hội cứ lan truyền, rồi làm mất hình ảnh của cái nghề cao quý này.
Mọi ngành nghề trên đời này đều cao quý, và ngành ngân hàng cũng vậy. Vì thế, những ai đã, đang và sẽ dấn thân vào ngành ngân hàng thì hãy tự hào về ngành nghề của mình. Vì các bạn cứ tưởng tượng, nếu không có ngân hàng...thì xã hội sẽ trở về giai đoạn nào của lịch sử?
Và điều sau cùng, nhân bài viết này, tôi mong các bạn, các anh chị đừng nuối tiếc khi đã chọn nghề ngân hàng. Và những ai thật sự tiếc đang nuối tiếc thì hãy mạnh dạn bước ra khỏi ngành và kiếm tìm cho mình một chân trời phù hợp hơn.
Một khi chúng ta còn nhận lương của ngân hàng, hãy thể hiện bản lĩnh và cống hiến xứng đáng để đi đến tận cùng con đường bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết.
Theo Trí Thức Trẻ