Nghề ngân hàng không có những phép thử

Nghề ngân hàng không có những phép thử

Tôi xin được trích mượn 2 câu thơ sau của nhà thơ Lưu Quang Vũ để bắt đầu cho câu chuyện về nghề:

"Ta hay chê cuộc đời này méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm"

1 thập kỷ đã qua đi nhưng dư âm ngày hôm nay vọng lại vẫn vẹn nguyên một cảm giác đầy tự hào, kiêu hãnh và vinh quang.

Ký ức ngày này năm ấy…

null

Mùa hè năm 2007: Ra trường – lập nghiệp, phải vào ngân hàng. Đó là niềm mơ ước của hầu hết những sinh viên ngành kinh tế khi chuẩn bị nhấc mông khỏi giảng đường đại học thời đó. Thời của giai đoạn kinh tế thị trường đang trên đà tăng tốc, nhà nhà nói về ngân hàng, người người nhắc tới nhà Bank. Và bởi nó quá “hot" mà cuối cùng người ta gắn nó với những cuộc thi thố tuyển chọn hàng tháng của hàng loạt các NH TMCP mọc lên như nấm khắp các tỉnh, thành phố. Rồi họ cũng gắn nó với hàng loạt các thị phị : “úi vào ngân hàng đó đó phải là con ông này, cháu bà kia, phải mất từng ấy tiền rồi cửa trước, cửa sau…”.

Vâng, thị trường mà, lao động ngân hàng cũng là một sản phẩm có giá, nó cũng phải tuân theo quy luật “ cung – cầu “nên chịu tác động bởi cái này hay cái kia, thị phi âu cũng là chuyện bình thường.

Nhưng đừng đổ “tại vì"..., mà cuối cùng “mình trượt”, vì vẫn có người đỗ, thậm chí nhiều người đỗ mà đâu bởi cái lý do trên trời kia chứ. Và tôi cũng đã đỗ đường hoàng như thế vào 1 ngân hàng lớn lớn, sau 3 vòng thi cạnh tranh gay gắt. Nếu đem so với thi đầu vào đại học thì tỷ lệ “chọi” thậm chí có phần kinh khủng hơn. Tôi cũng phải thừa nhận với các bạn rằng, tôi đã đỗ sau khi trượt vỏ chuối vài ngân hàng khác trước đó. Có lẽ, câu này đúng trong hoàn cảnh của tôi “thất bại là mẹ thành công”, tích lũy kiến thức và trải nghiệm thất bại là cơ sở để tôi tự đúc rút và hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng của mình cho mỗi chặng đường nộp hồ sơ ứng tuyển rồi thi tuyển về sau. Vậy nên cảm giác cực đoan cũng đã từng có, suy diễn tại sao thế, phải chăng vậy.. cũng đã thấm, để rồi cuối cùng nhận ra... do mình đấy chứ.

Cái ngày mà bạn được khoác trên vai bộ đồng phục ngân hàng, đeo tấm thẻ Bank trên ngực, bạn sẽ cảm nhận được cái mùi của sự hãnh diên đến nhường nào. Bạn sẽ bước vào những lộ trình đào tạo chuyên nghiệp mà ở đó bạn mới nhận ra, “trời ơi sao mình dốt đến thế, kiến thức thực tế với mình kém đến vậy”. Tôi nhớ hồi đấy ở Việt Nam cũng đã có hơn ba chục ngân hàng đủ các loại hình, cả ngân hàng cổ phần tư nhân, thương mại Nhà nước, nước ngoài, ấy vậy mà Thầy giáo yêu cầu kể tên 1 số ngân hàng nước ngoài mà bọn nhân viên tân tuyển ú ớ lẫn lộn linh tinh cả, tên viết tắt của 1 số ngân hàng Việt Nam thì lại tưởng tên của mấy ngân hàng nước ngoài.

Hóa ra cái sự học trong trường đến cái sự ngẫm khi đi làm cứ dai dẳng sao học không vận dụng được cái gì... thì ra bắt đầu từ đó. Nhưng đừng trách giáo trình học thưa bạn, mà trách cái sự tìm hiểu của chúng ta không tốt, thậm chí là lười hiểu, bởi ngày ấy dùng mạng chỉ để chat chít, đọc tin, nghe ca nhạc, điện ảnh, thời trang mà chẳng bao giờ tự tìm hiểu nền kinh tế ra sao, định hướng phát triển của các ngân hàng thế nào, lãi suất huy động hay cho vay là gì…

Tự chúng ta đã khoác một cái áo quá rộng bởi những thành tích, bởi những hào nhoáng định dạng từ văn hóa truyền khẩu trong xã hội: đấy nó vào làm ở ngân hàng đấy, làm ngân hàng toàn tiền là tiền, mưa không đến mặt mà nắng chẳng đến đầu…

Lẽ dĩ nhiên là niềm vinh dự tự hào cho một chặng đường học hành, phấn đấu, còn bố mẹ thì vô cùng hân hoan trước ánh mắt ngợi khen của bạn bè và họ hàng xung quanh.

Nhưng sau khi đào tạo trở về, chúng tôi được quăng vào thực tại những con số biết nói, là chỉ tiêu dư nợ, chỉ tiêu huy động, chỉ tiêu phát triển khách hàng mới… vân vân và vân vân cái liên quan đến đồng lương, thưởng, đến kế hoạch mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…

“Đời không như là mơ” mà mơ sao nổi khi đêm nay ngủ vẫn phải nghĩ mai đi đến đâu tiếp thị khách hàng vay vốn, kia gặp ai để tiếp thị gửi tiền… Và 1 tuần trôi đi sao nhanh thế, chẳng bù cho ngày đi học, học mãi mà chưa hết tuần.

Ấy là chưa kể đến áp lực, hết tuần đầu tiên của chặng đường thử việc, những mail tổng kết đánh giá trong bộ phận mình đứng thứ mấy trong team, thua ai, hơn ai khiến tâm trạng căng thẳng, còn bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu KPIs chưa đạt, màu của những số má quẩn quanh mà chả còn thiết đến màu hường của tình yêu đâu nữa.

 

Bạn biết tại sao, nhiều cô gái làm Bank lại hay than mình ế chứ? Đây nhé, nếu bạn nào vào làm Bank mà đã có người yêu thì không chỉ giận dỗi nhau chuyện không có thời gian đi chơi, chuyện đi sớm về muộn mà còn bởi trước những yêu cầu khắt khe về quy trình chăm sóc, tiếp khách hàng, bạn phải cười, phải lắng nghe, phải thấu hiểu, phải này phải kia… sai 1 lỗi bạn bị trừ 1 điểm… có bộ phận chuyên nhìn camera bắt lỗi, lại có bộ phận những khách hàng bí mật đến giao dịch để soi sai. Vậy nên, áp lực của 10h làm việc bình quân khiến bạn muốn được xả stress. Và đương nhiên, bạn rời công sở, bạn xả vào bạn trai, xả vào người thân…Đấy cứ vậy, nếu bạn trai không là một người thông cảm, biết chia sẻ thì bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy.

Nhưng hãy bước qua cánh cửa bi quan đó bạn nhé, “cho đi là nhận lại” và thậm chí bạn sẽ được rất nhiều khi trưởng thành từng ngày trong môi trường này.

Tôi muốn kể câu chuyện của tôi như một cách truyền cảm hứng tới các bạn trẻ, đặc biệt những chàng trai cô gái đang khao khát được cống hiến, được làm việc, được đóng góp cho xã hội. Đừng ngần ngại, đừng cứ đứng đó mà nghĩ đến những chữ “ Vì “, hãy dấn bước, hãy “SAY I DO”.

Sau 6 tháng đầu tiên của trải nghiệm Banker, tôi bước qua cái nỗi niềm tủi hờn về chuyện “bằng cấp của bạn được đào tạo từ trường nào”, trường tôi học không phải top đầu nên lương tôi nhận thấp hơn các bạn trường top đầu tầm 300nghìn đồng. Nhưng bằng cấp chỉ là cái vé thông hành lên xe thôi, cái quan trọng là kết quả công việc mà bạn mang lại, là con số biết nói bạn ở top mấy của hệ thống sale. Ở những NH TMCP bây giờ, ban lãnh đạo coi trọng năng lực của mỗi nhân viên và họ luôn tạo điều kiện để bạn phát huy năng lực đó. Tôi đã trở thành 1 trong những manager trẻ nhất ở đơn vị sau những thành tích ấn tượng đạt được. Bạn có thể sẽ hỏi tôi, nếu không có người nâng đỡ, thì làm sao để có được thành tích tốt trong công việc đây ?

Vâng, làm Bank bây giờ cũng như làm sale, bạn phải đi bán một loại sản phẩm vô cùng đặc thù, đó là “tiền”. Muốn bán được thì bạn phải cần có khách hàng, mà khách hàng bây giờ không tự dưng đến mà bạn phải đi tìm kiếm. Bản thân bạn phải xây dựng được 1 data khách hàng, một hệ thống các mối quan hệ mở…Đừng ngại đi tìm kiếm khi mà bạn luôn mong muốn bán hàng bằng cái tâm và sự chân thành của mình. Thành công chỉ đến khi bạn biết cố gắng, không có gì là bế tắc cả và chẳng có phép thử nào cho bạn biết đâu là sự lựa chọn tối ưu.

Dẫu biết rằng, đặc quyền của cuộc đời mỗi con người chính là quyền được chọn. Nếu bạn đã chọn làm Banker xin hãy chọn một lẽ phải, chọn đam mê để gạt bỏ những tư lợi, chọn sẻ chia để kiến tạo những giá trị bền vững, chọn sự tử tế từ trong mỗi hành động, việc làm để có được những mối quan hệ xã hội vô giá sau này. Cuộc đời rất công bằng là thế, và cái gì cũng có giá của nó là vậy.

Gần 10 năm công tác trong ngành ngân hàng, cũng đã thấm thía trải qua những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của đời, của nghề…Giờ đây với cương vị là một giám đốc chi nhánh của 1 tập đoàn hàng đầu Việt Nam, không còn là một Banker nữa nhưng tôi vẫn luôn tự hào và cảm ơn một hành trình đầy yêu thương đã trải qua. Cái duyên với Banker đã tạo cho tôi rất nhiều cơ hội sau đó, những trải nghiệm quý giá của ngành tài chính – ngân hàng đã giúp tôi có được nhiều định hướng quan trọng để tự tin cho những bước đi đầy vững vàng trên những cuộc hành trình mới.

Các bạn trẻ thân mến, hãy khởi đầu bằng đam mê, hãy chuyển mình bằng ý chí, cơ hội ở trong tay các bạn, quyền lựa chọn là ở mỗi chúng ta!

Nguyễn Thị Hoài Thu

Theo Trí thức trẻ

0