Nghề ngân hàng: Nếu muốn thành công, đừng xem là "nghề" mà hãy xem là "nghiệp"

Xin nói ngay kẻo có sự hiểu lầm, “nghiệp” ở đây là “sự nghiệp”, “cơ nghiệp” của đời người đi làm chứ không phải nghiệp hiểu theo nghĩa của nhà Phật.

Không ít người nghĩ rằng công việc (hay nghề nghiệp) và sự nghiệp là một, nhưng sự thật thì “nghề” và “nghiệp’ là có sự khác nhau. Đối với ngành ngân hàng cũng vậy, thái độ hay cách nhìn nhận của bạn đối với nó sẽ quyết định sự thành công của bạn.

Nếu bạn xem ngân hàng đơn thuần chỉ là một công việc, một nghề thì bạn đã chọn lựa một mục tiêu ngắn hạn thay vì một mục tiêu dài hạn nếu bạn xem ngân hàng là sự nghiệp. Hay nói cách khác, nếu sự nghiệp là một cuộc chạy thi marathon thì nghề nghiệp chỉ là từng quãng đường ngắn trong hành trình đó.

Ở bước khởi đầu, nếu mục đích của bạn đi làm là kiếm tiền thì bạn chọn ngân hàng là một nghề, nhưng nếu bạn muốn tích luỹ kinh nghiệm thì chắc chắn bạn đã xác định ngân hàng là sự nghiệp của mình.

Nếu bạn làm việc với năng suất tối thiểu chỉ để đạt vừa đủ KPIs thì bạn chỉ là đang làm nghề ngân hàng, còn nếu bạn đặt ra mục tiêu của cuộc đời là thành công trong sự nghiệp ngân hàng thì tôi tin chắc bạn sẽ phấn đấu, nỗ lực hết mình để vượt qua hết giới hạn này đến giới hạn khác trong công việc.

null

Ngay tại nơi làm việc ở ngân hàng, nếu bạn kết thúc công việc trong mệt mỏi thì bạn chỉ là những “công nhân” đang làm nghề trong một nhà máy có tên ngân hàng, còn nếu bạn kết thúc công việc trong niềm hạnh phúc thì bạn là “nghệ sỹ” đang diễn tấu khúc nhạc có tên là sự nghiệp.

Và cũng như thế, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và có cảm giác “sợ” ngày thứ Hai nếu bạn đang làm nghề ngân hàng, còn ngược lại, bạn sẽ tràn đầy năng lượng và háo hức chờ đón ngày thứ Hai để được tiếp tục xắn tay xây những nấc thang sự nghiệp của cuộc đời.

Bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu thời gian cho “nghề” ngân hàng của bạn, nhưng một khi đã xem ngân hàng là “nghiệp” thì bạn sẽ thấy mỗi ngày trôi qua luôn luôn là một ngày làm việc hiệu quả. Bởi vì sự nghiệp là cả một hành trình, còn nghề nghiệp chỉ là một giai đoạn trong một hành trình.

Nếu bạn cảm thấy công việc hàng ngày ở ngân hàng lặp đi lặp lại như một guồng quay tẻ nhạt thì bạn đã có dấu hiệu chán cái “nghề” ngân hàng, còn nếu bạn cảm thấy công việc mỗi ngày như là một hành trình khám phá thì bạn đang dần tiến trên nấc thang sự nghiệp của mình.

Nếu trong 3 năm bạn thay đổi đến 4 ngân hàng với bất kỳ lý do gì mà bạn cho là phù hợp thì tôi hiểu bạn xem ngân hàng là một nghề, còn nếu bạn gắn bó với một ngân hàng trong 5 năm chẳng hạn chỉ với một mục tiêu là phấn đấu lên vị trí quản lý thì tôi tin là bạn đã chọn ngân hàng là sự nghiệp của mình.

Bạn sẽ không hoặc rất ít quan tâm đến các giá trị, chuẩn mực của ngành ngân hàng nếu bạn xem nó chỉ là một nghề, còn nếu như bạn chọn ngân hàng là sự nghiệp thì tôi tin chắc bạn sẽ là người tuân thủ các chuẩn mực của ngành để từ đó vun trồng nên các giá trị của ngành.

Cũng giống như trong tình yêu, nếu bạn xem ngân hàng là nghề thì đó giống như là những mối tình thoáng qua, bạn có thể yêu cùng lúc nhiều người hoặc yêu hết người này đến người khác. Nhưng một khi bạn đã xác định “ăn đời ở kiếp” với một ai đó thì đó chính là lúc bạn xem ngân hàng là sự nghiệp của mình.

Ngay từ khi còn học phổ thông tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chọn ngành ngân hàng, vào thời đó “hướng nghiệp” là khái niệm còn rất xa lạ chứ không như bây giờ. Tốt nghiệp phổ thông trung học xong tôi thi vào trường ngân hàng bằng tâm thế tò mò dành cho ngôi trường mới vừa thành lập và tuyển sinh năm đầu tiên hơn là có một sự định hướng. Khi mới ra trường tôi cũng chỉ xem ngân hàng là một nghề kiếm tiền để trang trải cuộc sống, nhưng chỉ sau một năm gắn bó với nghề thì tôi đã xác định ngân hàng là sự nghiệp của cuộc đời. Và đến nay sau 15 năm gắn bó, sẽ còn là quá sớm để tổng kết, nhưng với những kết quả đến ngày hôm nay tôi có thể nói rằng sẽ không có được những kết quả đó nếu tôi chỉ xem ngân hàng là một “cái nghề” chứ không phải là “cái nghiệp”.

Tôi đã yêu nghề ngân hàng, vẫn đang cố gắng phấn đấu, nỗ lực để ngày càng hiểu nghề, vì chỉ có “hiểu nghề” thì mới “giữ nghiệp” ngân hàng được!

Còn bạn thì sao?

Nguyễn Thanh Quang (Giám đốc ABBANK Đồng Tháp)

Theo Trí thức trẻ

0