Người đời nói làm ngân hàng toàn ăn trắng mặc trơn, lương bạc triệu, kiệu 9 người rước kỳ thực mấy ai hiểu nỗi khổ nghề Bank!
Xinh đẹp, cao ráo, ăn mặc lịch sự,… đó là những gì đa phần chúng ta sẽ cảm nhận được khi gặp một nhân viên ngân hàng, cho dù đó là một nhân sự cấp thấp đi chăng nữa. Vẻ ngoài hào nhoáng khiến nhiều chúng ta nghĩ nghề ngân hàng đúng là một nơi “ngồi mát ăn bát vàng”. Một công việc nhàn hạ và ổn định.
Mặc dù vậy, đó là những thứ mà "người ngoài cuộc" - những người không làm ngành ngân hàng suy nghĩ. Trong khi đó, người trong cuộc cũng có cái lý của mình “Được vài đồng lương áp lực khủng khiếp, hết khách chửi, sếp chửi về nhà chồng chửi... đủ thứ chửi đổ lên đầu!” là những điều họ thường chia sẻ.
Nếu cứ tranh cãi kiểu này thì chẳng bao giờ đến hồi kết. Gần đây, anh Vũ Việt Hùng, sáng lập của U&Bank - diễn đàn ngành ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã lên tiếng chia sẻ nghề ngân hàng có sướng, có khổ, tùy thuộc vào tâm thế của mỗi người khi lựa chọn ngành này. Bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, anh đã đưa ra những quan điểm khá thú vị. Dưới đây là vài điều chia sẻ của anh:
Thứ nhất: Làm ngân hàng có thật sự sướng?
Ngân hàng sướng - khổ là do cảm nhận và tâm thế mỗi người. Nếu xác định, vào Ngân hàng để ăn trắng mặc trơn, sang trọng check-in kiếm lương bạc triệu thì công việc thật sự của banker (người làm ngân hàng) quả đáng là công việc kinh hoàng chứ không đơn giản chỉ là khổ! Còn ngược lại, nếu xác định trước, vào Ngân hàng, làm việc mình thật sự thích, chấp nhận đánh đổi, chấp nhận rủi ro thì việc tiếp nhận nó trên thực tế sẽ trở lên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn khá nhiều.
Không thể phủ nhận, rất nhiều Banker thành công, nhưng nhiều hơn thế gấp nhiều lần là những Banker thất bại - thất bại từ trong trứng nước bằng thái đội kỹ năng và khả năng hiểu biết.
Cá nhân tôi - luôn đánh giá anh em Bankers là những người có tài, và hầu hết họ đều sẵn sàng tâm lý cho công việc có tính chiến đấu cao, đòi hỏi sự bền bỉ và thái độ cầu thị phù hợp. Nhưng cũng phải nói thật, gần đây tôi thấy thế hệ này ngày càng mai một dần, thế hệ làm thì không làm suốt ngày kêu, chỉ thích đả kích nói đểu người khác bất chấp người đối diện là ai. Chính những cá nhân này, đang dần làm hỏng một thế hệ Bankers.
Quay về vấn đề sướng, khổ: Nếu anh có định hướng rõ ràng, biết khi nào cương, khi nào nhu, khi nào nhẫn khi nào chiến đấu thì cuộc sống và công việc của anh sẽ dễ dàng hơn, nhiều niềm vui hơn. Vấn đề không phải là ai bảo sướng hay ai bảo khổ - mà mỗi chúng ta, mỗi Banker nên tự biết cách cân bằng cuộc sống của chính mình. Biết nắm bắt và biết buông bỏ khi cần.
Còn ngược lại, nếu như anh một mực bon chen bằng mọi giá, chạy theo cái bóng của miệng lưỡi thế gian, tự tạo áp lực cho chính mình thì chắc chắn, ngoài công việc, đầu óc anh sẽ nặng trĩu những so đo, tính toán và làm màu - điều này làm cuộc sống của bạn sẽ khó khăn và bức bách hơn rất nhiều.
Nghề Ngân hàng, vốn là nghề căng thẳng, căng thẳng vì nó rủi ro, căng thẳng vì nó tiếp xúc trực tiếp với tiền bạc và căng thẳng cả vì miệng lưỡi thế gian nữa. Vậy thì chẳng có cơ gì bản thân mỗi anh em Bankers lại phải tự làm mình căng thẳng bằng cách quan tâm đến những thứ không đáng có? Tập sống "tử tế" bằng cái TÂM của mình là cách tốt nhất để chúng ta cùng cân bằng cuộc sống và thấy thoải mái với các câu hỏi: Làm Ngân hàng sướng hay khổ?
Thứ hai: Lương Ngân hàng có cao không?
Thế nào là cao? Tôi được trả 10 triệu nhưng luôn trong trạng thái sẵn sàng bị kỷ luật, bị sa thải hoặc luôn phải đối diện với rủi ro liên quan đến pháp luật có là cao so với mức lương người giúp việc chỉ 3 - 4 triệu đồng nhưng ăn no ngủ kỹ?
Thực ra, so với mặc bằng chung về số học, lương Ngân hàng ở mức khá. Nhưng so với kỳ vọng của chính Nhân viên Ngân hàng thì nó luôn ở mức thấp. Hiếm có nhân viên nào tự vỗ ngực bảo rằng lương tôi cao!
Đơn giản vì với công việc có nhiều sức ép, rủi ro cao lại thường xuyên tiếp xúc với "tiền to" thì mong muốn mức thu nhập cao hơn nữa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, bạn tạo ra 10 đồng lợi nhuận cho Ngân hàng, Ngân hàng không thể trả 10 đồng lợi nhuận đó cho bạn. Vì nếu chỉ có mình bạn, Ngân hàng đâu có chạy được? Thế tiền đâu ra mua máy tính cho bạn, may đồng phục cho bạn, xây trụ sở cho bạn, tiền đâu nuôi bộ máy hội sở để viết sản phẩm cho bạn, quản trị rủi ro cho bạn và cho Ngân hàng .....Ngân hàng là một doanh nghiệp phức tạp, vận hành nó cần rất nhiều tiền cho rất nhiều loại chi phí phân bổ khắp nơi. Vì thế, nếu chỉ nhìn "công trạng" mà đòi hỏi thì chắc chắn lương luôn là không đủ!
Nhưng ngược lại, thử nghĩ mà xem, ngoài kia, nhiều người chả có việc mà làm, họ sẵn sàng làm bất kỳ việc gì có được bất chấp tính mạng để có thu nhập. Đừng bảo là do họ dốt, không hẳn là vậy, mỗi người có một sự lựa chọn và lựa chọn nào cũng vậy, nếu hiểu được hoàn cảnh của mình thì đôi khi việc "chấp nhận" một cái gì đó trái ý mình sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thứ ba: Làm Ngân hàng có dễ... đi tù không?
Người đời đồn là có! Nếu đọc báo sẽ thấy dạo này nhân viên Ngân hàng đi tù nhiều lắm, từ chức nhỏ tới chức to.
Nói thế nghĩa là ai đi làm Ngân hàng cũng có nguy cơ đi tù? Về lý thuyết thì đúng thế thật! Mà chả cứ Ngân hàng, làm nghề gì cũng thế, kể cả có không đi làm gì chỉ nằm nhà cũng thế - vẫn có khả năng đi tù nếu vi phạm pháp luật! Hiểu được thế thì đơn giản thôi mà - vi phạm pháp luật, làm sai thì đi tù thôi!
Nhưng, việc của Banker là không phải nghe thế mà sợ, thay vào đó, nghe thế thì làm gì đọc cho kỹ, đừng trở thành thế hệ Banker bồng bột và hời hợt, làm cái gì cũng hời hời, đọc cái quy định chả hiểu khỉ gì nhưng vẫn cắm đầu làm, không thèm hỏi ai. Ai có chỉ cho thì lại rằng "không phải dạy khôn người khác".
Trong quá trình làm Kiểm toán nội bộ, tôi đã gặp khối trường hợp điếc không sợ súng như thế này. Nói thì bảo "đừng dạy khôn tao" hoặc "mày biết gì mà nói" chỉ đến khi công an vác còng đến tận nhà mới biết thế nào là trắng là đen.
Tóm lại, tù hay không tù do mình! Sướng hay khổ cũng do mình! Thu nhập cao hay thấp do chính sách của từng Ngân hàng và do mình. Theo tôi thì đã làm rồi, cứ cố gắng, gắng hết sức chí ít cũng để biết sức mình đến đâu. Đời sống là phải vui, phải thoải mái và cũng cần biết hài lòng cơ bản với những thứ mình có. Đôi khi gặp chuyện bực mình (thường dính đến sếp hoặc đồng nghiệp) thì cũng lượng tình mà "tha thứ". Kinh khủng quá thì có thể nhảy việc - nhưng nhớ, hãy nhảy khi có chỗ khác và đừng nhảy vì tức giận ai đó.
Có thể các bạn khác, nhưng với tôi Ngân hàng là môi trường giúp tôi trưởng thành rất nhiều, mặc dù không ít sóng gió, đè đầu cưỡi cổ, chơi xấu, nói xấu, bè phái, "sếp bẩn" có cả nhưng tôi sau khi trải qua tôi mới thấy, không mấy khi có cơ hội vượt qua những điều đó và không tiền nào mua được những trải nghiệm đã trải qua, nó làm cho con người trưởng thành lên rất nhiều!
Vì thế, cứ bình tĩnh mà sống, bình tĩnh mà làm, bình tĩnh mà hưởng thụ! Miệng lưỡi thiên hạ chỉ để mua vui, cười giải trí một tý thôi! Đừng cãi nhau vì những thứ vô bổ.
Đơn giản vậy thôi :).
Trí thức trẻ