Những đặc quyền riêng có của dân ngân hàng
Người làm ngân hàng vẫn hay ngồi thở than với nhau vất vả, nhiều khi còn dọa..bỏ nghề vì quá nhiều áp lực. Thế nhưng cứ 10 người quả quyết "tôi bỏ nghề" thì 9 người sáng hôm sau vẫn cắp cặp đi làm bình thường, còn người thứ 10 vừa sửa soạn lên văn phòng vừa vội vàng nhắn tin xin sếp đến trễ vì trót nhậu khuya tối hôm trước.
Cứ hỏi cả trăm người thì có ít nhất chín chục người trả lời làm ngân hàng cứ trong chán ngoài thèm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cho dù có ngán ngẩm đến thế nào, vẫn phải công nhận “dân ngân hàng” có những đặc quyền đáng ao ước mà không phải ai cũng dễ sàng có được.
Môi trường làm việc chuyên nghiệp
Môi trường công sở vốn vẫn được coi là môi trường lý tưởng, với điều kiện làm việc tốt và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ngân hàng cũng không ngoại lệ, đặc biệt là với điều kiện bắt buộc phải trở nên chuyên nghiệp.
Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với khách hàng luôn là phòng giao dịch, lúc nào cũng sáng bóng, sạch sẽ, ghế xếp thành dãy ngay ngắn, logo nổi bật. Cứ đỗ xịch xe trước cửa là anh bảo vệ hăng hái ra dắt xe hộ, vào đến sảnh là máy lạnh mát mẻ ùa vào mặt, lại thêm khuôn mặt tươi cười xinh xắn của chị giao dịch viên, thái độ vừa nhẹ nhàng vừa niềm nở, tận tình hướng dẫn khách hàng từ A đến Z.
Phòng làm việc của nhân viên cũng không hề kém cạnh, máy tính sáng trưng, bàn ghế gọn gàng, đồ dùng văn phòng phẩm lúc nào cũng đầy đủ sẵn sàng.
Chưa kể mỗi dịp lễ Tết, các ngân hàng đua nhau trang trí nơi làm việc, có khi theo một “concept” chung của cả hệ thống, có khi lại tùy biến theo lựa chọn của từng chi nhánh. Tết đến là mỗi chi nhánh lại thuê hẳn vài gốc đào to vật vã đặt ngay cửa ra vào, rồi đèn trang trí giăng khắp nơi.
Nơi làm việc đẹp và đầy cảm hứng là một chuyện, để đáp ứng yêu cầu công việc, nhân viên ngân hàng cũng được đào tạo rất bài bản. Từ cách giao tiếp với khách hàng, cách ứng xử trong một số tình huống bất ngờ đến cả những kỹ năng "đặc biệt" khác như trang điểm, điều chỉnh giọng nói, uốn nắn dáng đứng, dáng đi, cách ngồi, cách bắt tay,…
Nghiệp vụ thì được dạy theo giáo trình rất bài bản, mỗi khóa học sẽ đề cập một mảng chuyên môn, kể từ lúc mới chân ướt chân ráo vào ngân hàng học khóa hội nhập, đến khi đã có một hai năm kinh nghiệm vẫn được học rất nhiều thứ khác nhau, từ các sản phẩm cơ bản của ngân hàng đến các khóa học kỹ năng mềm như quản lý thời gian, làm chủ bản thân, bí quyết trở thành nhà lãnh đạo,… Kết thúc khóa học sẽ được làm bài thi, thường là online, tính thẳng vào hiệu quả làm việc và xếp hạng cuối năm. Nhờ đó, nhân viên ngân hàng được tạo điều kiện học tập, nâng cao giá trị bản thân.
Nhiều ưu đãi khi sử dụng dịch vụ ngân hàng (giá, uy tín khi sử dụng dịch vụ)
Bất cứ một nhân viên nào sử dụng sản phẩm của công ty mình cũng sẽ được chiết khấu, đó được coi như một điều hiển nhiên trong chính sách mời gọi nhân tài của các doanh nghiệp.
Nhân viên ngân hàng cũng vậy, có điều lợi thế này giúp họ có được những "tiện nghi" nhiều người mong muốn. Đơn cử như khi gửi tiền hay vay vốn, các ngân hàng đều có chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi cho cán bộ nhân viên, thậm chí cả người thân của họ. Ở nhiều ngân hàng, chênh lệch từ 0,1% đến 0,2% là chuyện quá đỗi hiển nhiên, nếu số tiền lớn, cán bộ nhân viên cũng là khách VIP, lại càng được hưởng nhiều ưu đãi. Chưa kể, thân là người trong ngành, ắt hẳn nhân viên ngân hàng sẽ "nghe ngóng" được thông tin nội bộ, ví như ngân hàng này sắp tăng lãi suất huy động, hay đợt này vay mua nhà được ưu đãi vượt trội, thế là lại rút tiền tiết kiệm đem đầu tư bất động sản. Các loại phí dịch vụ cũng được giảm đáng kể thậm chí là miễn luôn.
Rồi khi có phát sinh vấn đề với dịch vụ ngân hàng, như mất mật khẩu, bị khóa tài khoản, bị mất thẻ tín dụng hay có nhu cầu giải ngân gấp, nhân viên ngân hàng luôn được xử lý nhanh chóng và dễ dàng. Với danh nghĩa khách hàng nội bộ, thủ tục cũng bớt lằng nhằng, hồ sơ thường trôi chảy và nhanh gọn. Không chỉ đối với ngân hàng đang làm việc họ mới được ưu đãi, khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng bạn, đặc biệt là khi có nhu cầu vay vốn, với tư cách là một nhân viên ngân hàng, điểm tín dụng cũng tăng vèo vèo thêm mấy bậc.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay còn ưu đãi cho người trong ngành đến mức, chỉ với điều kiện đơn giản là cán bộ nhân viên hội sở của các ngân hàng khác là đã đủ điều kiện mở thẻ tín dụng hoặc vay tín chấp, bất kể hộ khẩu ở đâu, lịch sử tín dụng như thế nào. Thế mới biết, cái mác "ngân hàng" không hẳn là "hữu danh vô thực".
Đổi tiền dễ dàng
Một cậu bạn cùng lớp cấp III đã lâu không nói chuyện đột nhiên gọi điện hỏi thăm, quanh co một lúc hóa ra là nhờ đổi tiền. Cô hàng xóm mang sang cho chục cân rau sạch gửi từ quê lên rồi sau đó là nhờ đổi giúp ít tiền lẻ để cô mừng tuổi bọn trẻ con. Cũng bởi tiền mới, tiền lẻ thì ngày càng khan hiếm, trong khi chợ đen đổi tiền giá đắt cắt cổ, nguồn tiền cũng không rõ ràng. Thế là mấy anh ngân hàng đổi hết định mức tiền của mình xong lại đi cậy nhờ bạn bè, đồng nghiệp đổi thêm cho. Hàng xóm, người quen được dịp hoan hỉ, tiền mới cứng nguyên seal từ kho Nhà nước ra, lại 1 đổi 1 chẳng tốn chút phí nào. Lúc này mới thấy, dân ngân hàng ấy thế mà sướng thật.
Được tiếp xúc với nhiều người thành đạt
Do đặc thù công việc, dân ngân hàng được tiếp cận với rất nhiều tầng lớp trong xã hội. Xã hội thì muôn màu muôn vẻ, nhưng bất cứ ai cũng sẽ có nhu cầu tài chính phát sinh. Có thể là cô bán rau chợ sáng, ngày ngày tích cóp đừng đồng lẻ gửi tiền vào tài khoản cho con học Đại học. Có thể là một giảng viên Đại học có nhu cầu vay mua ô tô. Có thể là một anh kiến trúc sư muốn đầu tư bất động sản cần vay vốn. Có thể là một chị nhân viên công ty phần mềm muốn vay tiêu dùng để chuẩn bị cho đám cưới. Có thể là sếp một công ty nọ cần bảo lãnh hợp đồng để thực hiện một vụ xuất khẩu hàng. Khi tiếp xúc, người ta sẽ phải tìm hiểu về đối tượng mà mình đang có dịp nói chuyện cùng, nhờ đó có thêm không ít kiến thức liên quan. Việc tiếp xúc với nhiều người cũng mở rộng mạng lưới quan hệ, một thứ tưởng vô hình mà lại vô cùng quan trọng. Thêm bạn là tự cho mình thêm cơ hội, trước hết là phục vụ cho công việc hiện tại, sau đó biết đâu sẽ có thêm những người bằng hữu sát cánh kề vai?
Một câu chuyện nhỏ về một cậu chuyên viên, được giao làm hồ sơ vay cho một hộ kinh doanh cần mở rộng trang trại nuôi heo giống. Nếu không được trực tiếp quan sát và tìm hiểu, cậu sẽ không thể ngờ một hộ kinh doanh có thể đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/tháng. Về tận nơi xem xét, cậu mới biết hóa ra không chỉ nuôi heo giống, hộ kinh doanh này còn mở cửa hàng bán thịt heo tươi buổi sáng và thịt heo quay buổi chiều, đổ buôn cho các nhà hàng lân cận và bán lẻ cho dân quanh vùng. Một anh chàng thành thị cả đời chỉ thấy con heo trên đĩa, nay được tận mắt nhìn chuồng heo, nghe khách hàng chia sẻ cách chăm sóc, bí quyết nuôi heo, bí quyết quay thịt sao cho giòn vỏ mà không bị cháy,… Cậu chuyên viên hứng thú về hùn vốn với bạn mở trang trại heo giống, nhờ học hỏi vị khách hàng nọ, cộng thêm liên hệ với các mối quen của khách, cậu cũng dần mở rộng kinh doanh, trở thành ông chủ khi tuổi đời mới ngấp nghé 30.
Người ta vẫn nói, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Cho dù là người mới đi làm đôi ba năm, hay đã có chục năm lăn lộn, cũng đều công nhận, nghề ngân hàng không hề đơn giản. Nhưng hãy thử nhìn vào khía cạnh tươi sáng hơn, với những điều tốt đẹp mà nghề mang lại cho mình mà cho mình quyền được tin tưởng và tự hào. Năm mới này, hãy mở lòng đón nhận những thách thức mới với một tâm thế vững vàng hơn, biết đâu một cơ hội đang chờ phía trước, nhưng chỉ những người tự tin và chuẩn bị kỹ càng mới có thể nắm bắt được mà thôi.
CTV Phương Nguyên
Theo Trí thức trẻ