Tôi đã chuẩn bị gì cho nghề sale ngân hàng?
Bạn là sinh viên ngành tài chính thì chắc hẳn bạn cũng có suy nghĩ rằng công việc sắp tới của mình sẽ làm gì? Bạn cần tự học thêm điều gì để có bắt đầu công việc đó?
Tôi xin chia sẻ cảm nhận và đúc kết kinh nghiệm có được khi gắn bó trong nghề Sale ngân hàng hơn 3 năm tại cả ngân hàng thương mại tư nhân và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Hiểu một cách nôm na dân dã thì sale ngân hàng là bán tất cả các dịch vụ, sản phẩm mà ngân hàng của bạn cung cấp. Từ sản phẩm cho vay, huy động vốn, mua bán ngoại tệ, phát hành thẻ tín dụng đến các sản phẩm bán chéo như dịch vụ ngân hàng điện tử, bảo hiểm tín dụng, …. Nhưng tập trung vẫn sẽ là nghiệp vụ Cho vay và huy động vốn là chính – đây cũng sẽ là chỉ tiêu chính mà nhà tuyển dụng và sếp tương lai sẽ yêu cầu bạn phải hoàn thành xuất sắc.
Bước vào nghề sale ngân hàng, 4 điều quan trọng mà tôi nhận định mình phải có:
Thứ nhất, phải có khách hàng. Người sẽ sử dụng sản phẩm vay vốn của ngân hàng bạn. Vậy khách hàng ở đâu?
Câu hỏi này tôi đã được hỏi tại 7 ngân hàng mà tôi đã phỏng vấn. Thực sự mà nói đối với một sinh viên mới ra trường, chắc chắn câu hỏi này bạn sẽ trả lời rất mông lung hoặc không thực tế và chắc chắn. Tôi định hướng khách hàng không đâu xa - họ là những người xung quanh tôi. Họ có thể là bạn học đại học, bạn học phổ thông, trung học, tiểu học hoặc trung tâm ngoại ngữ hoặc tại lớp học bơi, lớp học võ. Và người thân của các đối tượng trên cũng có thể là khách hàng tiềm năng.
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, từ nhỏ được tiếp xúc với giao thương, thế nên phần nào tôi hiểu được tâm lý người mua, người bán như thế nào. Thời còn đi học tôi tham gia đoàn hội một cách nhiệt tình và với tính cách vui vẻ hòa đồng tôi có nhiều bạn bè từ trường học và các nhóm bạn chơi chung môn thể thao. Do đó, sau khi khai thác hết nhóm khách hàng xung quanh mình thì tôi mới khai thác đến khách hàng mới mà chưa hề quen biết với họ. Thật may mắn là tôi đã định hướng đúng cách tìm kiếm khách hàng khi mới vào nghề. Điều này đúng ở chỗ, khi mới vào nghề tín dụng thì khả năng tư vấn bán hàng và nghiệp vụ của tôi còn yếu. Thế nên, khi tư vấn cho người thân – họ sẽ bỏ qua nếu mình có tư vấn thiếu sót và việc tư vấn lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp cho mình cải thiện và nhuần nhuyễn các kỹ năng bán hàng. Với cách tìm kiếm khách hàng như thế này thì tôi đã có khách hàng riêng của mình, chứ không cần phải có khách hàng từ những "cò" tín dụng giới thiệu hoặc các khách hàng đã phát sinh nợ xấu từng ngân hàng khác do "cò" tín dụng giới thiệu hoặc ít nhất là tôi cũng chưa từng ý nghĩ là tìm đến các nguồn đó.
Thứ hai, có thái độ nghiêm túc đối với công việc, uy tín đối với khách hàng. Hãy tập thái độ nghiêm túc với công việc.
Thật vậy, khi làm việc một cách nghiêm túc, tập trung cao độ vào công việc giúp tôi không bị sai sót khi làm tờ trình và hoàn thành công việc nhanh hơn. Để có thái độ làm việc nghiêm túc tôi đã luyện tập bằng cách là làm việc đó như là làm cho chính mình chứ không phải là làm việc cho ngân hàng, công ty, hay cho khách hàng hoặc hay cho người nào khác. Đó là làm cho chính bản thân của mình. Điều này, chắc chắn phải có thời gian thì tôi mới nhận ra được sự hiệu quả đó thông qua sự ủng hộ của khách hàng tôi và có được nhìn nhận, đánh giá tốt của cấp trên quản lý trực tiếp của mình.
Thứ ba, có đức tính cần cù nhẫn nại, chịu khó. Vậy có đức tính cần cù nhẫn nại đã giúp tôi lúc vào nghề như thế nào?
Tôi nhận thấy yếu tố này đều cần đối với tất cả ngành nghề. Nhưng với mức độ cạnh tranh, đào thải trong ngành Ngân hàng thật sự rất là dữ dội. Ừ thì bất kể Sale ngân hàng nào cũng sẽ gặp và trải qua hàng trăm hàng ngàn lời từ chối sử dụng sản phẩm của ngân hàng, thế nhưng sau hàng trăm hàng ngàn lời từ chối tôi vẫn kiên trì gọi điện và phát thư ngõ tận nhà khách hàng. Đối với khách vui vẻ dễ tính thì mình nói chuyện một cách linh hoạt, phóng khoáng và vô cùng cởi mở để mang sự cảm nhận nhẹ nhàng cho khách; còn đối với các khách nghiêm túc, người lớn tuổi thì mình phải nói chuyện vô cùng nghiêm túc và trân trọng, luôn thể hiện uy tín mình qua cách chăm sóc các khách hàng cũ để mà họ tin tưởng và quan tâm đến lời tư vấn của minh. Bằng nhiều cách, tôi cố gắng để họ lưu số điện thoại của tôi ngay thời điểm tư vấn bán hàng Và đến thời điểm thì những người đã từ chối sử dụng sản phẩm khi mới được tư vấn lúc đó đã là khách hàng hiện tại của tôi.
Còn tính chịu khó giúp đã giúp tôi như thế nào? Sau quảng thời gian tiếp thị, marketing qua nhiều kênh tôi cũng nhận được cuộc gọi yêu cầu tư vấn của khách hàng. Thế nhưng có khách hàng là chưa hết. Không phải mọi chuyện lúc nào cũng êm ả. Có những hôm tôi cùng cấp trên của tôi phải bỏ bữa ăn để đến gặp và tư vấn cho khách hàng. Rồi có nhiều đêm thức tới sáng để hoàn thành hồ sơ cho khách hàng. Chưa kể những tháng phải báo cáo kiểm toán thì mình và đồng nghiệp hầu như làm việc đến 10 giờ đêm suốt cả tháng ấy. Nhưng đền đáp lại sự hi sinh nhỏ nhoi ấy và tôi cũng có được sự yêu mến của khách hàng và giới thiệu nhiều khách hàng khác cho nữa. Để rồi đã hoàn thành tốt chỉ tiêu do ngân hàng giao.
Cuối cùng là phải có sức khỏe. Sức khỏe là cái cuối cùng cũng là tôi nghĩ quan trọng nhất.
Bởi vì nếu sức khỏe không tốt hoặc không dẻo dai thì tôi sẽ không có được 3 yếu tố trên và như thế sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc sale ngân hàng. Cụ thể ở chỗ nếu không có sức khỏe thì làm sao tôi có đủ năng lượng để tham gia đoàn hội và làm quen được với nhiều người. Và khi đã có khách hàng thì làm sao tôi có đủ sức khỏe để có thể bỏ bữa ăn để đi gặp và tư vấn cho khách hàng, hoặc có thể đi dầm mưa dãi nắng liên tục nhiều ngày để hoàn tất hồ sơ cho khách, hoặc sao có thể thức tới sáng để làm hồ sơ cho khách hàng. Lời khuyên của tôi đối với nghề sale ngân hàng là hãy giữ cho sức khỏe của bạn thật tốt. Nếu chưa tốt hay cố gắng rèn luyện. Hãy tham gia các nhóm thể thao tại cơ quan bạn hoặc các nhóm bạn bè của bạn. Rất có thể nơi đó là nơi bạn rẻn luyện sức khỏe của bạn và cũng là nơi bạn gặp gỡ chăm sóc khách hàng bạn.
Trên đây là 4 yếu tố chính mà tôi đánh giá là cần thiết cho nghề sale ngân hàng. Để rồi tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có sự hỗ trợ động viên từ các đồng nghiệp và cấp trên. Tôi nhận ra rằng để kiểm chứng mình có hợp với nghề sale ngân hàng hay không thì dù muốn dù không bạn hãy lao vào mà làm nó. Để rồi bạn thấy bạn thiếu sót điều gì mà cải thiện, luyện tập thêm. Rất có thể bạn nhận ra còn nhiều yếu tố khác trong bạn cũng làm nên sự thành công của bạn trong nghề sale ngân hàng.
Theo Trí thức trẻ