Tôi đã trở thành cán bộ ngân hàng như thế đấy!

Năm 2005, tôi tốt nghiệp Học viện ngân hàng – đúng thời điểm “người người làm ngân hàng, nhà nhà làm ngân hàng” vì cái “mác” thu nhập cao và những hấp dẫn khác. Mặc dù vậy, với tấm bằng loại giỏi, tôi đã không quá khó khi vượt qua hàng chục, hàng trăm ứng viên khác và trúng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng của BIDV. Ngày nhận thông báo trúng tuyển, tôi và bố mẹ mừng lắm. Hành trang tôi mang theo là những kiến thức ở giảng đường đại học, là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng không thể thiếu những lo lắng bỡ ngỡ khi mới bước chân vào nghề.

Trúng tuyển vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, lúc đầu thực sự tôi cảm thấy hơi quá tải vì phải đọc nhiều văn bản, thực hành nhiều nghiệp vụ trong khi chuyên môn chính của tôi là quan hệ khách hàng, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, tôi đã vượt qua những khó khăn ấy rất nhanh. Làm quan hệ khách hàng nhưng ở phòng giao dịch, tôi còn được chị trưởng phòng cùng các anh chị chuyên viên khác chỉ bảo về các nghiệp vụ khác của phòng, từ việc kiểm đếm rồi bó tiền, nhận biết tiền thật giả đặc biệt là ngoại tệ cho đến việc xử lý từng hồ sơ tín dụng…Biết thêm được nghiệp vụ, tôi dần cảm thấy yêu quý công việc và tự tin hơn rất nhiều với nghề ngân hàng.

null

Nhưng những ngày êm đềm ấy trôi qua mau, thời hoàng kim của ngân hàng dần lui vào dĩ vãng đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nợ xấu ngân hàng bùng phát, thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn, những đòi hỏi của thị trường đối với các sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng cao buộc các ngân hàng phải đầu tư đổi mới công nghệ để tung ra thị trường những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất. Lúc này, những cán bộ như tôi được yêu cầu phải trở thành đại sứ sản phẩm để giới thiệu tới khách hàng và cũng từ đây, câu chuyện “chỉ tiêu” bắt đầu.

Ngân hàng có bao nhiêu sản phẩm dịch vụ thì mỗi cán bộ chúng tôi bị “áp chỉ tiêu” cho bấy nhiêu sản phẩm, từ huy động vốn, dư nợ cho vay, phát triển khách hàng mới, thẻ đến những sản phẩm phi tín dụng khác…. Nhiều đến mức đôi khi tôi còn quên không biết mình phải thực hiện những chỉ tiêu gì. Ban đầu là tiếp thị người quen, họ hàng, bạn bè rồi sau khi khai thác hết nguồn này, chúng tôi cũng phải tự tìm kiếm khách hàng mới bên ngoài. Một ngày làm việc của cán bộ quan hệ khách hàng chúng tôi thường kéo dài 10 tới 12 tiếng. Trong giờ hành chính thì gặp gỡ khách hàng, tư vấn sản phẩm, cuối ngày trở lại văn phòng xử lý hồ sơ và trở về nhà hầu như không trước 7 giờ tối. Chỉ tiêu giao cao, bản thân nỗ lực hết sức nhưng mỗi ngày không đạt mức đề ra, cảm giác mệt mỏi lại bao chùm. Lo không đạt chỉ tiêu sẽ không đủ lương, không có thưởng… ám ảnh tới mức lắm lúc ngủ cũng nằm mơ thấy chỉ tiêu.

Giao chỉ tiêu nhưng để khuyến khích người lao động, ngân hàng cũng đưa ra mức tiền thưởng cho từng sản phẩm hay khách hàng mới được tiếp thị thành công, những chuyến du lịch nghỉ dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho những cán bộ xuất sắc… Ấy vậy mà, nhiều người không chịu nổi sức ép công việc đã buộc phải ra đi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý làm việc của những người ở lại, trong đó có tôi.

Cùng với chỉ tiêu, tôi cũng bị áp lực khi rất sợ những cám dỗ của nghề này đem lại. Báo chí liên tục đưa tin những vụ việc cán bộ tham ô, rút ruột ngân hàng như làm giả sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng giả, vay nhờ vay ké, thẩm định cho vay sai quy trình tín dụng…gây thất thoát tài sản. Tuy đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” song đã gây không ít xao động, lo lắng cho những cán bộ lâu năm trong ngân hàng huống chi những người mới bước chân vào nghề như tôi.

Nhưng cũng thật may, tôi được bố mẹ luôn ủng hộ và đồng nghiệp sẻ chia nhiều để vượt qua những khó khăn và dao động nhất thời. Tôi tự nhủ lòng phải cố gắng, cố gắng thật nhiều hơn nữa. Mỗi khi tiếp thị thành công một sản phẩm mới hay có thêm một khách hàng, tôi lại thấy phấn chấn hơn. Những đồng tiền thưởng được ghi nhận kịp thời khiến tôi càng ham hơn và thời điểm chạm tay tới giải thưởng với mức tiền động lực rất cao cùng chuyến du lịch nghỉ dưỡng, tôi đã nhận ra rằng mình có thể làm việc tốt hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Cùng với thời gian, tôi đã dần quen với câu chuyện “chỉ tiêu” và giờ đây chỉ tiêu không còn là áp lực mà đã trở thành động lực để phấn đấu.

 

Sau 12 năm gắn bó với BIDV, trải qua rất nhiều mảng nghiệp vụ, con người tôi giờ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Sự linh hoạt, khéo léo trong xử lý công việc, sự nhiệt tình, tận tâm với nghề và một bản lĩnh vững vàng, kiên định trong mọi tình huống là những bài học vô cùng quý giá mà tôi có được khi gắn bó với tổ chức này.

Những năm tới đây, hoạt động ngân hàng sẽ có nhiều khó khăn hơn, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt, chỉ tiêu và áp lực công việc sẽ lại càng lớn là điều khó tránh khỏi, nhưng với những gì đã trải qua, tôi tin rằng, miễn sao có niềm tin, tận tâm với công việc, nỗ lực hết mình và có bản lĩnh vững vàng, kiên định với mục tiêu, nhất định bạn sẽ thành công với một công việc ổn định và mức thu nhập mà nhiều người mơ ước. Các bạn, những sinh viên còn đang theo đuổi ngành tài chính ngân hàng hay những người vừa mới trở thành banker và đang phấn đấu, hãy luôn nhớ rằng “Công việc sẽ cho bạn tất cả chỉ khi bạn dành cho công việc một sự chủ động, đam mê, tình yêu và sự cố gắng không mệt mỏi”.

Tôi đã trở thành một cán bộ ngân hàng như thế đấy!

An Thị Mai Lan (ngân hàng BIDV)

Theo Trí thức trẻ

0