Tôi đã trót say mê với những "quy chuẩn" của ngân hàng

Những ngày cuối tháng 9, bỗng nhận ra mình vừa có thêm 1 năm gắn bó với công việc phát triển sản phẩm ngân hàng. Cũng lâu rồi, tôi không còn đếm số tuổi nghề của bản thân, mà cứ đợi đến cuối tháng 9 để được cảm thán “Mình lại có thêm 1 năm tuổi nghề!”. Đến nỗi gần đây, có người hỏi: “Đi làm được bao nhiêu năm?”, tôi còn phải nhẩm trừ năm tốt nghiệp đại học. 7 năm - khoảng thời gian của trải nghiệm, trưởng thành và nỗ lực làm việc trọn vẹn nhất có thể. Xét ra, đó cũng là một thành quả cá nhân không hề nhỏ.

Khi còn đi học, nghĩ đến ngân hàng, đơn giản là những hình ảnh trực quan từng thấy, các chi nhánh, nhân viên, giao dịch viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Đến lúc thực tập, bản thân mới biết thế nào là “Back office”; và khi chính thức được tuyển dụng, tôi mới phần nào thấm thía công việc của một nhân viên phát triển sản phẩm ngân hàng.

Thuở mới bắt đầu công việc, tôi hoàn toàn bị “khớp” bởi những trình tự, quy định. Hóa ra, để đưa một sản phẩm vào vận hành thực tế đòi hỏi cả một quy trình gồm nhiều bước: Tuân thủ đúng quy định Pháp luật, Thông tư NHNN; Nghiên cứu thị trường; Xây dựng phương án; Trình nội dung sản phẩm; Chuẩn bị về mặt hệ thống; Phối hợp với các phòng/ban; Tổ chức các lớp đào tạo; Theo dõi tình hình kinh doanh; Hỗ trợ đơn vị bán hàng; Đề xuất cải tiến; Báo cáo… Nhiều công việc phải thực hiện, tuy nhiên, tất cả giống như có một quy chuẩn nhất định, việc phát triển sản phẩm cũng vì thế mà trở nên khá nguyên tắc. Điều này từng khiến tôi khá hoang mang, nhưng cuối cùng, sự “quy chuẩn” ấy lại làm tôi say mê. Bởi lẽ, phải có quy chuẩn, ràng buộc rõ ràng thì việc kinh doanh, vận hành mới trôi chảy và thông suốt. Trong sự quy chuẩn, sản phẩm ngân hàng vẫn cần sự độc đáo, riêng biệt để có thể gợi mở trong tiềm thức khách hàng, là khởi đầu cho sự quan tâm, lựa chọn và gắn bó. Đó cũng chính là nhiệm vụ, “sứ mệnh” của nhân viên phát triển sản phẩm.

Tôi từng nghe ai đó nói: “Sản phẩm ngân hàng không cần sự độc đáo, vì xét đến cùng, khách hàng chỉ quan tâm đến lãi suất hay quà tặng mà thôi. Cứ lãi suất tiền gửi càng cao, lãi suất tiền vay càng thấp, mở thẻ được quà to. Vậy là được rồi”. Đó là nhận định hết sức sai lầm. Nếu chỉ dựa trên thế mạnh duy nhất là lãi suất hay quà tặng thì sản phẩm chẳng thể tồn tại lâu dài. Giá cả, ưu đãi có thể gây ấn tượng mạnh ban đầu, nhưng để khách hàng yêu thích và gắn bó lâu dài với sản phẩm, đó lại là bài toán khác. Một sản phẩm tốt ngoài giá hợp lý, còn phải tập trung đúng vào phân khúc khách hàng, đúng thời điểm, chẳng hạn, huy động vốn nhàn rỗi sau Tết tất nhiên phải khác lúc huy động trước Tết, khi nhu cầu mua sắm tăng cao.

Không dừng lại ở giá sản phẩm, khách hàng còn cảm nhận nét độc đáo thông qua mức độ ứng dụng công nghệ, chất lượng phục vụ, đơn giản hóa giấy tờ. Vì lẽ đó, người phát triển sản phẩm phải am hiểu hệ thống và không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin về ngân hàng số để ứng dụng vào công tác xây dựng, hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng bán hàng, người phát triển sản phẩm cũng phải biết cách phác thảo, đưa ra một bức tranh tổng hòa về sự phối hợp giữa hội sở với đơn vị kinh doanh trong việc Đề xuất chỉ tiêu – Thực hiện bán hàng – Hỗ trợ kinh doanh. Sợi dây kết nối càng chặt chẽ, tình hình kinh doanh của đơn vị càng thuận lợi, như thế, mới có thể kỳ vọng sản phẩm bản thân phụ trách có “cá tính” riêng và được khách hàng đón nhận.

 null

Trong những tháng ngày “thủ thỉ” với lãi suất, NIM, P&L (Profit & Loss), tôi cảm thấy tội lắm khi chưa nghĩ ra được một phương án vận hành sản phẩm hoàn hảo, khiến đơn vị kinh doanh phải làm nhiều bước, yêu cầu khách hàng điền nhiều biểu mẫu (không gì đáng sợ hơn việc “quản lý tay” hay “thực hiện thủ công” đối với một đơn vị bộn bề nghiệp vụ). Ngược lại, niềm vui cũng ngập tràn khi thấy sản phẩm mà bản thân phụ trách được ứng dụng vào thực tế, mang lại doanh số khả quan, đáp ứng đúng nhu cầu mà khách hàng đang tìm kiếm. Tôi ngày càng thấm thía, sản phẩm ngân hàng không đơn giản là hàng hóa để mua – bán, mà đó còn là “của để dành”, “phương án tài chính”, là “cơ hội khởi nghiệp” hay “nguồn vốn kinh doanh” ... trong cuộc sống thường ngày của nhiều người.

Làm phát triển sản phẩm cũng rất dễ đi qua những "mùa gió chán". Chuyện mùa gió chán thì hẳn là không thể nào tránh được, đó âu cũng là ý nghĩa của từ “phát triển”: Phải không ngừng sáng tạo và đổi mới. Trước đây, khi được giao thực hiện các chương trình khuyến mại tiền gửi, tôi sợ bản thân mình chán, sợ khách hàng không còn hào hứng tham gia, thế là tôi không ngừng thay đổi và thử thách mình hơn. Không chỉ là đổi mới cơ cấu giải thưởng: mùa xuân lộc vàng, mùa hạ du lịch; mà còn đổi mới cả hình thức khuyến mại: tặng quà ngay khi gửi tiền, rồi đổi thành bốc thăm trúng thưởng ngay, sau đó lại kết hợp bốc thăm ngay với quay số lồng cầu cuối chương trình, cũng có khi thử chạy một chương trình vừa quay số hàng tuần vừa quay số “hoành tráng” những giải lớn vào cuối kỳ. Từ những thử thách và phát triển, tôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm, lòng yêu nghề thêm tràn ngập và làm việc thêm hăng say.

Thế đấy, với tôi, nghề phát triển sản phẩm chính là cuộc sống ngày dồn tháng, là phát hiện những dự án, tiến độ, lãi suất, P&L đã đồng hành cùng tôi suốt quãng đường trưởng thành, minh chứng cho một khoảng thời gian đầy nhiệt huyết và yêu nghề. Để rồi, có đôi lúc, vô tình bắt gặp những banner marketing trước đây, những cái tên sản phẩm quen thuộc, lòng vẫn thấy hạnh phúc như lúc ban đầu…

Trần Thị Hồng Nhung - Trung tâm thẻ VietCapitalBank

Theo Trí thức trẻ

0