Tôi là cô gái làm nghề tín dụng!

Chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt sau một cuộc gặp gỡ khách hàng, cái cảm giác khoan khoái dễ chịu của một nụ cười còn vương lại nơi đầu môi, tôi chợt thất ấm lòng hẳn sau những vất vả của mình.

Tôi chọn cho mình một chỗ ngồi mát cạnh bờ sông, gọi một ly nước mía ngọt lành tự thưởng cho mình và ngẫm nghĩ lại chặng đường của mình. Bạn tôi hay bảo tôi nghỉ việc đi, nghề gì mà cực quá, nghề gì mà suốt ngày chạy loanh quanh giữa những góc kẽ của Sài Gòn, nghề gì mà suốt ngày giấu nước mắt trong bữa cơm chiều tàn vội vã, nghề gì chả có lấy một cuộc vui trọn vẹn với bạn bè, nghề gì mà mở tin nhắn điện thoại chả còn thấy vương những cuộc hẹn hò yêu đương,… vội quá, vội bị cuốn vào đời vậy sao? Tôi hay cười đáp lại, vì lời nói lúc này hẳn chỉ là chống chế, bởi vì thật là vậy mà.

null

Tôi vào nghề được khoảng 10 tháng với vị trí trợ lý quản lý khách hàng, 10 tháng hẳn không quá dài để gọi là hiểu nghề, nhưng cũng chẳng phải ngắn để xem là còn non giữa một khu rừng toàn cọp. 10 tháng để tôi rèn cái sự chịu đựng áp lực trong một môi trường cạnh tranh toàn người giỏi, tôi bập bẹ bước những bước chân đầu tiên của mình vào cái ngày được nhận làm thực tập sinh ở một chi nhánh lớn, để rồi tôi rời bỏ khi đã được nhận để đi theo người THẦY của mình về một phòng giao dịch cuối bảng. Tôi bắt đầu chiến đấu.

Những ngày đầu tôi quay cuồng với khối lượng công việc ngập đầu, với chỉ tiêu mới và chăm sóc lượng khách hàng cũ của chi nhánh, và nhân viên lúc này thì mới chỉ có tôi và sếp. Tôi phát hoảng thật sự với những thuật ngữ hoàn toàn xa lạ, với những yêu cầu trên trời của khách hàng, với sự dồn ép của các phòng ban khác, tôi cảm thấy đuối sức rất nhiều. Sự giao tiếp liên tục với người khác làm tôi khó cười, tôi trầm hơn và lao nhanh vào công việc như một cách để thoát khỏi sự mệt mỏi do chính công việc gây ra.

Tôi bắt đầu học cách đánh giá khách hàng theo những cuộc đi với sếp, nhận định khẩu vị của sếp, lắng nghe mọi thông tin và tự điều tiết cách khai thác khách hàng của mình. Vì thời sinh viên tôi đã tự kinh doanh nên may mắn là không khó khăn quá với việc giao tiếp với khách, tuy nhiên để khiến khách hàng nói thật thì hẳn tôi còn non lắm. Sếp chỉ bảo “Em hãy nói chuyện bằng cái tâm, sự thật lòng sẽ khiến đối phương cảm kích”. Vâng, xinh đẹp thì hơi thiếu nhưng chân thật thì chắc tôi có thừa, đó có lẽ chính là điểm mạnh của tôi tới tận bây giờ. Tôi tập cách nói chuyện và chăm sóc khách hàng như những người thân, người bạn của minh, từ những yêu cầu nhỏ nhất về hồ sơ, tới hỏi thăm các thông tin,… tôi đều toàn tâm toàn ý. Một khởi đầu không hề tệ.

Tuy chỉ mới vào ngân hàng nhưng may mắn tôi đã có hồ sơ trình Hội đồng thẩm định. Hẳn ai làm ngân hàng cũng hiểu những bộ như thế rất khó trình và sự yêu cầu rất cao. Hồ sơ này tôi thu thập và chuẩn bị trong vòng 1 tháng. Ngày ra trước Hội đồng cứ như ngày tôi đi thuyết trình luận văn tốt nghiệp, vừa vui mừng vừa lo sợ. Ngay lúc hồ sơ được duyệt tối đa hạn mức trình, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt, chỉ muốn nhảy cẫng lên với sự sung sướng đến tột cùng vì đã đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, với những đêm thức trắng để làm hồ sơ. Lúc này, sếp chỉ nói với tôi một câu: “Em làm rất tốt”.

Mỗi ngày trôi qua, tôi luôn tự nhìn nhận mình, làm và nhìn nhật, rút ra bài học rồi tiếp tục làm. Lượng khách hàng ngày càng tăng, đồng nghĩa với thời gian ngày càng hạn hẹp, làm nghề này là phải làm sao để một công việc vẫn hoàn thành với lượng thời gian ngắn nhất có thể để còn chạy ra gặp khách hàng, liên kết các mối, nuôi những mối quan hệ của chính mình.

 

Nếu hỏi tôi, làm nghề này vui chỗ nào thì đối với tôi đó làm sự quan tâm ngược lại của khách hàng dành cho mình. Những bữa cơm gia đình của họ mà tôi được mời như một thành viên, những lời mời cho cuộc đi chơi xa cùng gia đình, hay đơn giản chỉ là bịch chè mua gửi cho tôi tại chi nhánh… Với tôi, công việc này đem lại quá nhiều cảm xúc cho tâm hồn. Hẳn ai làm nghề này cũng hiểu có cực đó, nhưng cũng có tình đó, tình cảm đến cuối cùng là sợi xích giữ nghề mà thôi.

Người ta bảo có nhiều lý do để bạn chọn một công việc, nhưng hầu như chỉ có một lý do để bạn ở lại với công việc mà thôi: đó chính là những cảm xúc thăng trầm, những đớn đau, đắng cay âm thầm chịu đựng để sau đó tự ăn trái ngọt của chính mình.

Trên những bậc cấp đầu tiên của mình, người luôn luôn song hành và chỉ dạy cho tôi là Sếp. Đó là người vẫn luôn vỗ về khi tôi gục ngã, dìu tôi dậy và khích lệ tôi tiếp tục chạy trên con đường này, và cũng là người đã chỉ dạy chữ TÂM cho tôi trong nghề tín dụng. Anh còn chỉ dẫn chúng tôi những kinh nghiệm làm việc thực tế, cho chúng tôi những cơ hội thử thách theo từng team và treo giải thưởng, đi làm mà cứ mãi vui. Với tôi, sự cạnh tranh luôn là tiền đề để phát triển nên với những chiến lược sếp đề ra khiến tinh thần làm việc của phòng tín dụng hừng hực khí thế. Có thể, khi nào đó tôi sẽ muốn đổi môi trường, nhưng nếu sếp vẫn còn ở đó thì chắc chắn tôi sẽ không đi. Với tôi một công việc không thể thiếu người dẫn đầu có TÂM.

Nếu một công việc khiến bạn nghĩ mãi về nó thì nó là của bạn, và với tôi đó là ngân hàng VIB Chợ Lớn.

Lê Huỳnh Thảo Nguyên (ngân hàng VIB)

Theo Trí thức trẻ

0