Vào ngân hàng đúng thời gian sóng gió nhất, nhiều người đã ra đi nhưng tôi vẫn ở lại và đây là lý do

Cầm trên tay tấm bằng đại học với số điểm vừa đủ loại giỏi, ngoại ngữ không tốt, chiều cao một mét năm mươi, tôi thực sự nghĩ rằng nghề ngân hàng không có cửa dành cho mình. Thế rồi bạn bè rủ nộp hồ sơ tham gia một đợt tuyển dụng tập trung của một Bank thuộc top cao trong khối TMCP, tôi đã tham gia mà không có nhiều hy vọng.

Vòng phỏng vấn nhóm, vòng thi viết trôi qua, đến lần cuối, tôi gặp người phỏng vấn. Vị này giới thiệu là thế hệ 9X, song có lẽ do công việc nhiều khó khăn và áp lực đã làm anh già hơn nhiều so với cái tuổi mà anh nói. Cuộc gặp tương đối dài, anh hỏi tôi về nhiều thứ, và tất nhiên tôi cũng trả lời hết dù chẳng biết với người phỏng vấn những phần trả lời ấy đã đủ làm hài lòng chưa, chỉ biết rằng sau đó tôi được nhận vào làm.

Hai năm qua, tôi vẫn gắn bó với ngân hàng ấy và đó cũng được xem là hai năm có nhiều biến động nhất của ngân hàng nơi tôi công tác: thay đổi quy trình, thay đổi CEO và gần nhất là chế độ đãi ngộ. Việc chuyển đổi trong ngân hàng có lẽ là một dòng chảy không bao giờ dừng lại bởi lẽ mọi sự trên đời đều không ngừng thay đổi, đặc biệt là nền kinh tế, do đó dù thấy lạ, thấy không vui, mỗi banker đều phải tập làm quen với điều này.

null

Tôi vào làm việc tại đây, khi mới bắt đầu hình thức thẩm định tập trung, vào làm được 6 tháng thì sang hỗ trợ tập trung. Khỏi phải nói công việc ngày đó kinh khủng và nặng nề như thế nào. Chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ những cái alo, chị ơi em ơi trên lync nội bộ, có những thứ chẳng bao giờ nghĩ ra, nay cứ bị trung tâm hỗ trợ bắt bớ. Thực sự mệt mỏi rất nhiều. Những khách hàng tôi quản lý, những doanh nghiệp thương mại vốn rất quan tâm vấn đề chiết khấu và phí thanh toán, nay cứ phải nơm nớp lo sợ mỗi lần khách hàng gởi chứng từ giải ngân lúc đầu giờ chiều và chắc chắn phải đối mặt với cảnh sau 15h30, kế toán lại gọi điện phàn nàn về phí chuyển tiền, về tốc độ giải ngân so với BIDV, Vietin…Đã có vài lần như vậy, chúng tôi phải chịu thanh toán phí chuyển tiền lại cho khách hàng, số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng với chúng tôi thì quá xót xa.

Yên ổn với hỗ trợ tập trung chưa bao lâu, chúng tôi lại đón nhận cơn bão mới mang tên phần mềm xử lý hồ sơ mới. Và vẫn như trước đó, lúc giao thoa giữa cái mới cũ luôn phát sinh nhiều vấn đề. Câu chuyện muôn thuở đó là hệ thống bị sập lúc cao điểm giải ngân hay mỗi lần bổ sung cứ phải chuyển đi chuyển lại hồ sơ qua từng cấp. Nhưng lần này thực sự khó khăn chồng chất khó khăn, khi quy trình hỗ trợ tập trung chưa ổn định đã phải triển khai trên phần mềm mới. Có rất nhiều người đã rời bỏ ngân hàng vào thời điểm ấy, có thể họ cũng có những lý do khác nữa nhưng tôi cho rằng việc thay đổi quá nhiều, quá liên tục của hệ thống chính là giọt nước làm tràn ly.

Nhưng sau tất cả, tôi vẫn ở lại, phòng tôi cũng chẳng có ai rời đi trong giai đoạn rối ren ấy. Nói thật không phải vì tôi mạnh mẽ hơn hay vì tôi xuất sắc hơn mà đơn giản với một sinh viên mới ra trường tôi không có nhiều cơ hội để chọn lựa và cũng không có nhiều thời gian để tìm kiếm. Tôi nhìn nhận những kinh nghiệm và bản lĩnh tôi học hỏi được ở đây, nhất là trong lúc khó khăn này là không thể định giá được và có ý nghĩa cho công việc của tôi sau này. Tôi cứ chai lì dần, quen dần với việc về sau khi mặt trời lặn, những trưa ngụp lặn trong hồ sơ, không ăn, không ngủ, biết đương đầu với mỗi lần giải ngân chậm, mỗi lần hồ sơ trục trặc thay vì khóc lóc như trước.

Khi vượt qua những chuỗi ngày stress nặng nề, sáng sáng đi làm lầm lũi và áp lực hay thậm chí trong mơ cũng thấy Khách hàng đến tận nhà mắng chửi tôi cảm thấy mình thực sự trưởng thành, bản lĩnh hơn. Đúng là không có sự việc gì trên đời không có giá trị của nó, chỉ là bản thân chúng ta chưa kịp nhận ra ý nghĩa của nó mà thôi. Nhiều người nghĩ, hỗ trợ tập trung hay bất kỳ sự thay đổi nào cũng chỉ mang lại sự xáo xào về mặt tổ chức, quy trình, gây ảnh hưởng cho Khách hàng, cho nhân viên. Điều đó hoàn toàn đúng và không thể phủ nhận, nhưng đánh giá trên cả một quá trình và nhiều khía cạnh, sự thay đổi trên nền tảng nghiên cứu kỹ lưỡng, như ngân hàng tôi đã làm, đã giúp mang đến những hiệu quả về mặt chất lượng hồ sơ, kiểm soát rủi ro tín dụng toàn hệ thống.

Và với những con người chịu sự ảnh hưởng của việc thay đổi như tôi, khi vượt qua những khó khăn đó, bản thân được học, được hoàn thiện rất nhiều, từ việc xây dựng phương án vay vốn, tìm hiểu thực tế khách hàng làm sao để phê duyệt được thuận lợi nhất, đến việc quản lý khách hàng nằm trong khẩu vị rủi ro và chuẩn mực của hệ thống, đến những tình huống không mong muốn đó là xử lý khi giải ngân chậm trễ cho khách hàng. Mọi thứ thực sự luôn có ý nghĩa của nó, dù rất nhỏ, nó giúp một nhân viên tín dụng như tôi có đầy đủ kỹ năng và bản lĩnh để làm việc và gắn bó với nghề.

Đi qua những ngày tưởng khó khăn nhất, gắn bó với công việc, với những khách hàng từ ngày chập chững ra trường, bản thân tôi ngày một lớn dần tình cảm, và sự kết nối với công việc, với đơn vị và màu cờ sắc áo của mình. Điều tôi tâm đắc, và cũng là một trong những động lực lôi kéo tôi ở lại, tiếp tục gắn bó với nơi đây là ở lãnh đạo của mình. Sếp tôi trẻ, nếu so với những người sếp chững chạc khác chắc chắn là không thể bằng, từ cách giải quyết đến sắp xếp vấn đề. nhưng người sếp ngồi tỉ tê, khuyên răn những lúc chúng tôi bất mãn, khóc lóc, rồi đi cùng chúng tôi gặp khách hàng, chỉ bảo từng con chữ đầu tiên trên báo cáo đề xuất đến cả việc chi tiền túi cho chúng tôi trả phí chuyển tiền cho khách hàng…thì với tôi anh là chính là người thầy, người anh lớn của cuộc đời.

Đến nay, vượt qua những cảm xúc bốc đồng, nhất thời, nghĩ lại, tôi thấy hài lòng với công việc hiện tại, với môi trường năng động, chuyên nghiệp, những tư duy rất trẻ rất mới từ Ban điều hành, lãnh đạo khối đến từng chi nhánh, đơn vị, giống như Tân CEO của chúng tôi đã nói đó chính là “tinh thần khởi nghiệp”. Một lãnh đạo tình cảm, gắn bó và sống chết cùng anh em. Những cơ hội chia đều cho tất cả những ai dám đương đầu, nỗ lực và tất nhiên- một điều tôi đã nhắc đến ở trên, sự thay đổi chế độ đãi ngộ đặc biệt ưu ái với những chuyên viên tín dụng, những con người dầm mưa dãi nắng, đầu sóng ngọn gió trên khắp cắc mặt trận, chiến dịch kinh doanh.

 

Những điều tôi tâm sự, có lẽ hơi dài dòng, nhưng muốn nhắn nhủ chân thành với tất cả các banker rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, nghề ngân hàng tuy lắm khó khăn, nhưng hãy nhìn vào những gì tươi đẹp, những tháng ngày vẻ vang đã qua để có thể tiếp tục và gắn bó với công việc hiện tại. Mọi việc trên đời, luôn có những ý nghĩa nhất định, điều quan trọng là hãy trân trọng những việc đi qua, từng điều nhỏ nhất bạn làm hôm nay, sẽ góp nhặt những viên đá nhỏ để xây dựng nên tương lai.

Với tôi, nghề ngân hàng có lẽ chính là cái nghiệp, cái duyên cho tôi những kinh nghiệm, kỹ năng, một cái nhìn tổng quan về điều mình học, điều mình làm, điều mình muốn đạt được và trên tất cả cho tôi những đồng nghiệp tuyệt vời, những ngày tháng thanh xuân tuy vất vả, thường xuyên về nhà khi trời tắt nắng nhưng là quãng thời gian ý nghĩa, dám đương đầu. Các banker hãy luôn cố gắng và lạc quan nhé, tất cả mọi điều tốt đẹp sẽ đến khi bạn biết nỗ lực (hoặc chí ít khi bạn lạc quan về nó). Chân thành!

N.T.T.Giang

Theo Trí thức trẻ

0