Về quê làm ngân hàng, "anh chuyên viên khách hàng" đã trở thành cán bộ quản lý tiềm năng chỉ sau 2 năm vào nghề

Trong cái se lạnh của đầu thu khi mà khí tiết trời miền Bắc thường hay thay đổi thất thường, lúc nắng, lúc mưa, lúc nóng, lúc lạnh, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đen trùi vì nắng và gió do phải thường xuyên ra ngoài đèo đẽo trên con Dream đi tiếp thị và tìm kiếm khách hàng, anh Chuyên viên Khách hàng Cá nhân (CVKH) vẫn hồ hởi kể với tôi câu chuyện vào nghề ngân hàng như thế nào, cái nghề nhiều lắm những khó khăn vất vả, những kỷ niệm buồn vui nhưng cũng nhiều vinh quang và thành công rực rỡ.

Anh tình cờ đến với nghề tài chính ngân hàng như một định mệnh. Tốt nghiệp loại ưu Khoa Kinh tế Đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cùng ngoại hình cao ráo ưa nhìn, tưởng chừng như anh sẽ vào các công ty nước ngoài hay những tập đoàn lớn với mức lương hấp dẫn tính theo USD, nhưng anh lại quyết định không làm việc tại thành phố đông đúc phồn hoa như Hà Nội mà chấp nhận nộp hồ sơ về Chi nhánh Ngân hàng địa phương nơi anh sinh ra và lớn lên. Hẳn sẽ ngạc nhiên lắm nhưng mỗi người có một sự lựa chọn, một quan điểm khác nhau khi mà về quê hương làm việc sẽ giúp anh góp sức cho sự phát triển của quê hương mình và cũng là lý do anh muốn gần gũi người thân anh hơn, để tiện đường chăm sóc gia đình cũng như bố mẹ anh đã về cái tuổi xế chiều.

null

Với kiến thức ở nhà trường và vốn kỹ năng anh có được khi làm thêm và bán hàng online thời sinh viên, không quá khó khi anh được tuyển dụng và nhanh chóng trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng Sacombank chi nhánh Hải Dương với chức danh chuyên viên khách hàng. Những tưởng rằng được ngồi điều hòa, văn phòng mát lạnh như cái suy nghĩ của anh thời còn ngồi ghế nhà trường thì anh lại bắt đầu lăn lộn với nghề bằng những chuyến xe máy xuyên huyện bất tận để tìm kiếm và tiếp thị khách hàng. Bỏ đi những cái nắng, cái gió và sự vất vả hằn trên khuôn mặt, anh tự nhận ra mình đã yêu cái nghề này tự bao giờ và quên đi những vất vả nhọc nhằn.

Anh kể rằng nghề ngân hàng trong thời buổi hiện nay không như người ta nghĩ, để có được khách hàng, anh phải ‘’gõ cửa từng nhà – rà từng đối tượng’’ để tiếp thị, cho vay, huy động và bán các sản phẩm khác của ngân hàng như một hình thức giá trị gia tăng. Với nhiều ngân hàng như hiện nay thì việc đa dạng hóa các sản phẩm để phù hợp thị yếu, nhu cầu của người dân thì đòi hỏi ngân hàng phải có sự nhạy bén, linh hoạt trong công tác bán hàng đặc biệt là công tác chăm sóc khách hàng, chưa kể đến bán hàng cũng cần cái duyên của từng người. Nhưng trên hết vẫn là cái tận tâm và nhiệt huyết của người làm ngân hàng.

Anh kể rằng, vẫn biết rằng làm ngân hàng nhiều vất vả nhưng anh đã quên nỗi vất vả đó tự bao giờ, giờ đây anh chỉ biết có cố gắng và cần mẫn với công việc, không ngừng lỗ lực để đến với khách hàng, đến với bà con, người dân có nhu cầu vay vốn kinh doanh làm ăn, mở rộng sản xuất. “Làm nghề Ngân hàng lắm gian truân nhưng vốn dĩ đã yêu cái nghề rồi, nó ngấm vào máu rồi và cái tôi trách nhiệm nên vẫn hăng say lắm, máu lửa lắm.”

Vừa cầm cuốn cẩm nang chăm sóc khách hàng, vừa làm hồ sơ trình vay vốn cho một khách hàng, anh chia sẻ với tôi niềm nở, hứng khởi. Anh kể, công việc của nhân viên ngân hàng giờ đây không chỉ cho vay đơn thuần, còn phải tiếp thị huy động, thực hiện các chỉ tiêu về thẻ, dịch vụ, chỉ tiêu định hướng, payroll, POS… và còn chăm sóc khách hàng nữa, có rất nhiều việc phải làm. Cán bộ ngân hàng trước đây chỉ biết cho vay, nay phải kiêm thêm nhiều mảng, nhiều việc và đặc biệt phải nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc trước thời buổi kinh tế khó khăn, cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đó chỉ là một công việc thuận buồm xuôi gió khi mà tình hình tài chính của khách hàng lành mạnh, phát triển và việc trả lãi, trả gốc được thực hiện đều đặn. Nhưng khi khách hàng ‘’cảm cúm’’, đặc biệt là những khách hàng lớn, nợ xấu xuất hiện, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của khách hàng khó khăn thì lúc đó không những khách hàng mà chính ngân hàng cũng còn lao đao, chuyên viên khách hàng lo lên xuống tìm các phương án tháo gỡ. Có khách hàng hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu nhưng cũng có những khách hàng gây khó dễ hoặc cản trở công tác xử lý nợ xấu và những người như anh lại phải động não để tìm ra những phương án xử lý thích hợp nhằm xử lý những tồn đọng này.

Làm ngân hàng cũng còn nhiều cái ‘’khổ’’ khi mà niềm tin thị trường bị ảnh hưởng, nếu không có kỹ năng thuyết phục tốt, bản lĩnh vững vàng thì chắc cũng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Đơn cử như những ảnh hưởng của thông tin thất thiệt làm tổn hại đến uy tín của Ngân hàng làm khách hàng hoang mang đòi rút tiền làm ảnh hưởng đến thanh khoản, với vai trò và công việc của mình anh và các đồng nghiệp lại tập trung xử lý, thuyết phục khách hàng ổn định tâm lý và tin tưởng tiếp tục gửi tiền lại ngân hàng, đảm bảo ổn định huy động của ngân hàng.

Rồi anh cũng cho biết trong công việc chăm sóc, tiếp thị khách hàng “nắng, mưa, rét buốt… nếu có lịch hẹn khách hàng hoặc có khách hàng liên hệ, thậm chí chỉ cần một tin nhắn của khách hàng thì dù là thời gian nào, những người làm chuyên viên khách hàng cũng nhiệt tình hỗ trợ, nhiều khi đến tận nhà khách hàng xa hàng chục, hàng trăm km là chuyện bình thường, đường đi hiểm trở, có những lúc không biết đường đành phải hỏi cả buổi, vừa đi vừa dò đường. Nếu chỉ có năm ba khó khăn mà không đúng hẹn, khách hàng không hài lòng, không sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thì thấy lương tâm ân hận lắm, đó là chưa kể sẽ dễ bị ngân hàng khác tiếp thị, lôi kéo là mất khách hàng ngay.

Những năm vừa rồi kinh tế khó khăn cũng khiến cho hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng, tất nhiên trong đó có các chỉ tiêu mà chuyên viên khách hàng như anh phải đối mặt, từ huy động đến cho vay, dịch vụ và các mảng liên quan đến định hướng. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, có trong khó khăn như thế mới biết ý chí vươn lên, đồng cam cộng khổ của người làm ngân hàng, nhiều khi phải gạt bỏ lợi ích cá nhân, cái tôi của mỗi người để cùng chung sức cho đơn vị vượt qua sóng dữ.

 

Vất vả khó khăn là thế nhưng nghề ngân hàng cũng đem lại nhiều niềm vui. Anh kể, nghề ngân hàng cũng đa di năng lắm, ngoài công tác bán hàng, anh và mọi người còn tham gia tích cực vào các phong trào do đơn vị tổ chức, các chương trình công đoàn, hội thao, ca múa nhạc, hòa mình vào chương trình như những diễn viên, ca sĩ thực thụ.

Còn vinh quang ư? Tất nhiên là có rồi. Anh kể, mới đây thôi, để ghi nhận những tích cực, những cống hiến và thành tích anh đạt được sau gần 2 năm cống hiến cho ngân hàng, anh cũng đã được ban lãnh đạo ghi nhận vào danh sách nhân sự quản lý tiềm năng và cử đi đào tạo để tạo nguồn nhân sự quản lý sau này. Còn thu nhập, anh cho biết ngoài việc đủ trang chải chi phí sinh hoạt cho gia đình, anh còn tích góp và tiết kiệm thêm được một ít vốn ‘’cơ bản’’ để xây dựng tổ ấm riêng của anh.

Tháng cuối năm vẫn còn đó những nắng sương mai sớm dậy, rồi cái lạnh đầu mùa dường như không quật ngã được tâm trí anh, cũng không cản nổi sự hăng say làm việc của anh, sự tận tình, chu đáo của các ‘’chiến sĩ’’ chuyên viên khách hàng ngày đêm tận tình chăm sóc tiếp thị khách hàng, đồng hành cùng khách hàng vì một mục tiêu chung, cái cao quý hơn mà anh đã đem lại cho địa phương là sự trở về của người con ưu tú, góp phần làm giàu đẹp quê hương. Lặn vào trong những suy tư, trăn trở, lo âu, trong anh luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời, làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu và một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai và ở đó vẫn còn hai chữ ‘’tận tâm’’ và ‘’nhiệt huyết’’ với nghề.

Trần Văn Cương (Sacombank Hải Dương)

Theo Trí thức trẻ

0