Kết cấu Bảng Cân đối kế toán trong Báo cáo tài chính

Bảng cân đối kế toán là bức ảnh chụp nhanh về tình hình KẾT CẤU TÀI SẢN  của công ty tại thời điểm lập báo cáo.

Khi đọc Bảng Cân đối kế toán ta bắt gặp các khái niệm sau:

  • Tài sản là những thứ thuộc về doanh nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp như máy móc, nhà xưởng, hàng hóa, quyền sử dụng đất….

  • Kết cấu tài sản là sự tương quan giữa các loại tài sản doanh nghiệp hiện có và nguồn gốc của chúng từ đâu ra.

  • NGUỒN VỐN: nguồn vốn tức là nguồn để hình thành nên bất kì tài sản nào của doanh nghiệp, bất kì thứ gì doanh nghiệp có đều phải dùng tiền từ đâu đó để mua, tiền này là vốn. Vốn của mình thì gọi là VỐN CHỦ SỞ HỮU, vốn đi vay người khác gọi là NỢ PHẢI TRẢ. Tổng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả được gọi là nguồn vốn.

Như vậy, ta có 1 phương trình luôn cân bằng trên tất cả các BCTC:

TÀI SẢN = NGUỒN VỐN

TÀI SẢN NGẮN HẠN + TÀI SẢN DÀI HẠN = VỐN CHỦ SỞ HỮU + NỢ PHẢI TRẢ

Nguồn vốn chủ sở hữu:

Vậy tức là với mỗi 1 đồng tài sản, ví dụ 1 chiếc máy , ta sẽ có 1 phần trong chiếc máy là của mình- tức được mua bằng tiền túi, và 1 phần trong chiếc máy mình đã đi dùng  tiền của người khác để mua. Vấn đề ở đây là liệu chiếc máy hoàn toàn là của mình sẽ tốt hơn, hay chiếc máy có 1 phần vay mượn tốt hơn, tỉ lệ giữa phần của mình và phần vay mượn như thế nào là tối ưu. Đây là bản chất của bảng cân đối kế toán.

Bảng CĐKT chia làm 2 mảng lớn nhất, bao gồm:

1 - Tài sản: Được chia ra làm tài sản ngắn hạn và dài hạn. Tài sản ngắn hạn có thể chuyển đổi ra tiền trong vòng dưới 1 năm hoặc trong vòng 1 chu kì kinh doanh. Tài sản bao gồm những phần còn lại. Sau đây là 1 số khoản mục quan trọng của tài sản:

  • Tiền và tương đương tiền: Là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kì hạn, tính thanh khoản lớn. Lượng tiền và tương đương tiền là 1 chỉ tiêu vô cùng quan trọng, là lượng tiền hiện đang tự do của doanh nghiệp.

  • Đầu tư tài chính ngắn hạn- dài hạn: Là các khoản đầu tư hiện tại của doanh nghiệp, chi tiết hãy tìm tới phần thuyết minh để xem rõ các khoản đầu tư ở đây là gì, có thể doanh nghiệp đang nắm 1 loại cổ phiếu mà nó tăng giá suốt 6 tháng qua. Hoặc có 1 công ty con đang làm ăn phát đạt.

  • Phải thu ngắn hạn - dài hạn: Bao gồm các khoản mà doanh nghiệp cho nợ hoặc trả trước. Các loại phải thu sẽ được ghi chi tiết rõ ràng

  • Tồn kho: Là tổng lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp, tồn kho có thể nhiều có thể ít, và tùy trường hợp chúng ta sẽ quyết định tình hình hiện tại của doanh nghiệp là tốt hay xấu.

  • Tài sản cố định: Là các tài sản hữu hình hoặc vô hình, nhà máy, công xưởng, đất đai, quyền sử dụng đất, bản quyền...vv

 Cuối khoản mục tài sản, ta sẽ có phần tổng cộng tài sản, nên so sánh con số này với năm trước xem sự biến động như thế nào.

2- Nguồn vốn: Nguồn vốn còn được hiểu là các nguồn hình thành nên Tài sản. Chia làm Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu

 2.1: Nợ phải trả: Cố gắng hiểu rõ cụm từ, cái gì liên quan tới các nghĩa vụ nợ sẽ được xếp vào đây. Có nợ có trả, nên gọi là nợ phải trả, rất logic.

  • Phải trả người bán ngắn hạn, dài hạn: Khi ta đã mua hàng nhưng chưa thanh toán, bản chất của việc này cũng giống như chúng ta đang đi vay 1 số tiền từ họ. Đây chính là nợ phải trả.

  • Người mua trả tiền trước ngắn hạn, dài hạn: Bản chất cũng như bên trên, chưa giao hàng mà đã nhận trước tiền, thì ta đang nợ bên mua 1 khoàn. Đây chính là nợ phải trả.

2.2: Vốn chủ sở hữu: Cái gì của mình, chẳng có nghĩa vụ phải trả thằng nào thì mặc nhiên thuộc về cổ đông của công ty.. Vẫn rất logic

  • Vốn góp của chử sở hữu : Là khoản vốn góp ban đầu của cổ đông để hình thành vốn điều lệ, mở công ty.

  • Thặng dư vốn cổ phần: Chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu thực tế thu được.

  • Các loại quỹ : Quỹ đầu tư phát triển, quỹ ban giám đốc, vài loại quỹ mà các quỹ này hình thành không phải do 1 nghĩa vụ bắt buộc, và tiền trong quỹ này hoàn toàn của mình.

  • Lợi nhuận chưa phân phối: Sau khi kinh doanh có lãi, phần lãi này hoàn toàn là phần dôi ra và thuộc về chủ sở hữu. Phần lãi này có thể đem chia cổ tức cho các cổ đông hoặc tái đầu tư.

  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Công ty có con xe cổ  tự nhiên lên giá so vs giá ghi sổ ban đầu. Phần dôi ra tất nhiên thuộc về chủ sở hữu.

  • Chênh lệch tỉ giá hối đoái: Như trên, tự nhiên được lợi do biến động tỉ giá giữa các đồng tiền. Nó cũng như 1 khoản lãi, vấn đề không phải do kinh doanh nên người ta ghi riêng 1 mục cho dễ hiểu.

  • Chốt ở khoản mục nguồn vốn, chúng ta sẽ thấy con số tổng cộng nguồn vốn. Bằng tổng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cộng lại. Tổng cộng nguồn vốn luôn cân bằng với tổng tài sản. Không sai 1 đồng.

(?) Có một câu hỏi thi như sau:

Nguồn vốn chủ sở hữu:

  1. Là số vốn của các chủ sở hữu của doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán
  2. Là số vốn của chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh. Do đó nguồn vốn chủ sở hữu không phải là một khoản nợ
  3. Là số vốn thực có trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
  4. Là số vốn ngân hàng huy động được từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư

Đáp án: Chính là B

Dựa vào bài học trên!

Vốn chủ sở hữu (VCSH) của doanh nghiệp bao gồm:

  • VCSH ban đầu: Vốn góp của chủ sở hữu (Vốn điều lệ hay Vốn đầu tư CSH)
  • VCSH hình thành trong quá trình hoạt động (Thặng dư vốn do phát hành cổ phiếu đối với công ty cổ phần, Vốn góp từ cổ đông, Vốn kinh doanh khác...)
  • Lợi nhuận bổ sung VCSH: Lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ...

Như vậy: VCSH là số vốn của chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh

VCSH chắc chắn không phải một khoản nợ. Trong Bảng CĐKT phần nguồn vốn thì các Khoản nợ phải trả được tách riêng

Nguồn vốn chủ sở hữu:

JB.com.vn

0